Vũ Linh giải mã sự giống nhau đến kỳ lạ với Vũ Luân

Vũ Linh giải mã sự giống nhau đến kỳ lạ với Vũ Luân

Chưa phân loại
23/05/2018
560 Lượt xem

Về nước sau thời gian định cư tại Mỹ, NSƯT Vũ Luân đã đến thăm người cha nuôi là NSƯT Vũ Linh. Hai nghệ sĩ này có nhiều nét tương đồng kỳ lạ từ giọng ca đến ngoại hình.

NSƯT Vũ Linh và NSƯT Vũ Luân

NSƯT Vũ Linh và NSƯT Vũ Luân

Giải mã về sự giống nhau đến lạ kỳ từ gương mặt, dáng đi cho đến giọng ca, NSƯT Vũ Linh cho biết từng nghe người trong nghề nói có một diễn viên trẻ ca giống anh lắm. Ngoài việc thần tượng anh qua nhiều vai diễn, chàng trai này đã thổi thêm sức trẻ trung, tươi mới vào trong cách ca dù lúc đó chưa hề biết diễn xuất.

Sau khi được nghệ sĩ Bạch Long phát hiện từ một đám cưới, nơi mà tình cờ bạn bè yêu cầu, chàng trai Lương Văn Bình (tên thật của NSƯT Vũ Luân – PV) đã lên sân khấu ca một bài vọng cổ trong vở tuồng Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài. Và thế là nghệ sĩ Bạch Long nhận Vũ Luân làm đệ tử, đưa vào đoàn đồng ấu của anh.

Về cách ca, Vũ Luân nhiễm từ hơi ca và cách ngắt hơi, ngân, luyến kể cả cách sắp câu văn trong bài vọng cổ. Điều này không phải là sự bắt chước mà là ngẫu nhiên giống nhau đến 90%. “Sau này khi gặp Vũ Luân, tôi xem em hát và nhận thấy đó không phải là sự bắt chước mà cùng có chung một chất giọng, cộng với thích nghe tôi ca, rồi hát theo, học hỏi và tạo cho mình một cách ca giống với thần tượng” – Vũ Luân nói.

NSƯT Vũ Luân từ Mỹ về thăm cha nuôi - NSƯT Vũ Linh

NSƯT Vũ Luân từ Mỹ về thăm cha nuôi – NSƯT Vũ Linh

Trước đây, trong làng sân khấu đã từng có những thầy trò giống nhau trong cách ca như đệ nhất danh ca – NSND Út Trà Ôn và NSƯT Phương Quang. Ban đầu, NSƯT Phương Quang ca theo cách thể hiện của thần tượng vì ông mê đắm cách ca trầm ấm, chắc nhịp của NSND Út Trà Ôn, rồi sau khi được bà bầu Kim Chưởng mời về đoàn của bà, ông đã tìm cách thoát khỏi cái bóng quá lớn của thầy.

“Còn với Vũ Luân, tôi nhận thấy em có những bước tiến trong nghề, mà quý nhất là nỗ lực gầy dựng một sân khấu cho bản thân. Tôi đã nhận Vũ Luân làm con nuôi, đỡ đầu em trong quá trình phát triển nghệ thuật và từng bước điều chỉnh để em thoát khỏi cách ca diễn, để chỉ là mang âm hưởng, chứ đừng quá rập khuôn sẽ mất đi cái nét riêng của mình. Và Vũ Luân đã làm được” – NSƯT Vũ Linh nhận xét.

NSƯT Vũ Luân song ca với nữ công nhân Công ty Pouyuen Bình Tân

NSƯT Vũ Luân song ca với nữ công nhân Công ty Pouyuen Bình Tân

Còn với NSƯT Vũ Luân, anh thừa nhận mình có chất giọng giống cha nuôi nhưng anh không cố tình bắt chước. Thậm chí khi ngày đầu bước chân vào nghề hát, anh chưa một lần được xem NS Vũ Linh hát trên sân khấu mà chỉ nghe qua radio, băng dĩa thời đó.

“Một lần tôi làm sai một điều tối kỵ trong nghề, cha nuôi đã bắt tôi quỳ gối 2 giờ, cho bỏ cái tật ham chơi, bỏ bê giờ tập dợt. Ban đầu tôi khóc vì cho rằng mình oan ức, vì cha nuôi quá nghiêm khắc nhưng sau này tôi hiểu, nếu không có sự nghiêm khắc đó thì tôi không được đứng trên sân khấu chuyên nghiệp mà suốt đời chỉ đi hát đám cưới, đám tang” – NSƯT Vũ Luân xúc động.

NSƯT Vũ Luân và NSND Bạch Tuyết, NS Tú Trinh trong vở "Nhân danh công lý" của tác giả Doãn Hoàng Giang, Võ Khắc Nghiêm do NSND Bạch Tuyết chuyển thể cải lương

NSƯT Vũ Luân và NSND Bạch Tuyết, NS Tú Trinh trong vở “Nhân danh công lý” của tác giả Doãn Hoàng Giang, Võ Khắc Nghiêm do NSND Bạch Tuyết chuyển thể cải lương

NS Bạch Long cũng nhận xét có sự giống nhau đến kỳ lạ giữa 2 NS này. Về cách ca thì vô câu vọng cổ, hai người ca rất giống, lòng câu luyến láy cũng rất giống. Trên con đường vào nghề, cả hai cha con NS này đã được thừa hưởng những bài học quý từ NSND Thanh Tòng, được làm việc với ông, được ông phân tích, chỉ dạy cũng như trao những kịch bản tâm huyết để cả hai cùng diễn.

NSƯT Vũ Linh và NS Hồng Nga

NSƯT Vũ Linh và NS Hồng Nga

NS Vũ Linh, Vũ Luân đều đoạt HCV xuất sắc giải Trần Hữu Trang. NSƯT Vũ Linh đoạt 6 lần giải Mai Vàng, NSƯT Vũ Luân đoạt 4 lần giải Mai Vàng. Hai NS này nổi tiếng với các vai diễn Nguyễn Địa Lô (vở “Bức ngôn đồ Đại Việt”), Lương Sơn Bá (vở “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”), Ngô Phù Sai (vở “Tình sử Dương Quí Phi”), Tiết Ứng Luông (vở “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”), Võ Minh Luân (vở “Đời cô Lựu”), Sơn xì ke (vở “Giũ áo bụi đời”)…

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *