Vực dậy nghệ thuật cải lương: Khó, tại sao?
(CLV) – Chủ trương nâng cấp cải lương của TPHCM đang dần trôi sang năm thứ 9, thế nhưng tình hình cải lương vẫn không mấy sáng sủa hơn trước. Hiện nay, mỗi khi nhắc đến chuyện vực dậy nghệ thuật cải lương, ai nấy đều có chung cảm nhận: khó! Tại sao?
Tại… người làm cải lương!
Sân khấu cải lương hiện nay đìu hiu, số lượng các chương trình, vở diễn mới ngày một thưa dần theo thời gian. Tất nhiên, số lượng khán giả cũng tỷ lệ thuận với tình hình không mấy vui vẻ này.
Trước thực tế này, nhiều người cho rằng, thành phố thiếu “thánh đường” để nghệ sĩ cải lương thỏa lòng sáng tạo với những cái mới. Điều này đúng, nhưng chưa đủ.
Theo NSND, đạo diễn Huỳnh Nga, cải lương rơi vào tình cảnh như hiện nay, nghệ sĩ cải lương có lỗi rất lớn. Những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ thiếu cơ sở học vấn, lại còn thiếu tâm huyết với nghề, lười biếng tập tuồng. Trước đây, nếu như chiều hôm trước nghệ sĩ tập sai, ngày hôm sau họ diễn đúng bởi họ chịu khó tìm tòi, tập luyện. Còn bây giờ, nếu nghệ sĩ tập bị sai khi lên sàn diễn vẫn thấy cái sai đó. Chưa kể, không ít người mải mê chạy show kiếm sống, ít học tuồng, khi ra sân khấu thì một tai nghe nhắc tuồng, một tai nghe nhạc, thử hỏi, ca diễn như thế làm sao hay được.
Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cho rằng sở dĩ có một bước lùi như hiện nay là do hai người thầy không còn được tôn trọng như trước đây. Đó là thầy tuồng và thầy đờn. Trước kia, sân khấu cải lương dù có rất nhiều ngôi sao sân khấu, những nghệ sĩ tài danh, nhưng khi thầy tuồng viết sao thì ca vậy, đâu ai dám sửa. Trong khi bây giờ, nghệ sĩ sửa cả thầy tuồng của mình.
Bên cạnh đó, theo NSƯT Thanh Hải, hiện nay những nhà quản lý gần như bất lực trước tình trạng chạy show, không hợp tác của nhiều nghệ sĩ. Khi làm việc, nếu không thể quản lý được con người – nhân tố sáng tạo chính, thì làm sao có thể làm được những vở tuồng hay, hấp dẫn khán giả?…
Trước những khó khăn này, đòi hỏi những người làm cải lương phải soi rọi lại chính mình. Nhưng thực tế, dường như nghệ sĩ cải lương khá dửng dưng với thực trạng cải lương. Mới đây, ở cuộc tọa đàm “Thực trạng sân khấu cải lương tại TPHCM” do Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM tổ chức, dù có nhiều nghệ sĩ được mời tham dự, nhưng chẳng một ai hiện diện. Thật khó hiểu!
Làm gì để vực dậy cải lương?
Trước thực tế hiện nay rõ ràng việc muốn vực dậy cải lương không phải là chuyện đơn giản, đòi hỏi phải có sự chung sức, đồng lòng từ nhiều phía. Về cơ sở vật chất, đang có những hy vọng đổi thay đáng kể qua việc rạp Hưng Đạo chuẩn bị được tháo dỡ để xây mới, hiện đại. Với sự chuyển động này, đòi hỏi những người làm cải lương cũng phải có sự thay đổi, tự làm mới mình. Nếu như trong mỗi người đều có thể tự ý thức được trách nhiệm của mình trước sự sống còn của loại hình nghệ thuật truyền thống này thì sẽ có những điều chỉnh trong cách nghĩ, cách làm.
Tất cả cùng trở về cái gốc của cải lương để vực dậy cải lương. Nói như tác giả Lê Duy Hạnh, với cải lương, thầy tuồng, thầy đờn như hai đôi bờ, còn nghệ sĩ là dòng chảy ở trong đó, cho nên rất cần thiết khôi phục lại tôn ti trật tự, tạo dựng lại hai đôi bờ vững chắc thì nghệ sĩ mới mong được xuôi dòng và ngược lại.
Cũng cần phải nhìn nhận, đã một thời gian dài, những người làm cải lương quên mất việc hoạch định chiến lược đào tạo đội ngũ kế thừa, từ tác giả, đạo diễn, cho đến diễn viên, nhạc sĩ – đàn. Mới đây, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã được UBND TPHCM chấp thuận cấp kinh phí hỗ trợ để cùng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM tổ chức khóa đào tạo, nhưng mới chỉ đào tạo diễn viên, chứ về tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ – đàn vẫn còn đó một nỗi lo hụt hẫng. Cho nên, việc đào tạo đội ngũ kế thừa phải được làm đồng bộ và thường xuyên, nếu không mai này cải lương vẫn khó tránh khỏi tình trạng “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”.
Song song đó, việc biểu diễn cải lương phục vụ miễn phí của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang giờ đây cũng cần phải suy xét có nên tiếp tục hay dừng? Lâu nay, ai cũng biết rằng, để phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, thành phố luôn cấp kinh phí mỗi suất vài triệu đồng để nhà hát đưa nghệ sĩ đi biểu diễn, một việc làm ý nghĩa. Tuy nhiên, với cách làm này, nếu thực hiện tốt – chương trình có chất lượng và luôn đổi mới, chẳng những giúp bà con vùng sâu, vùng xa được thư giãn, giải trí mà qua đó còn quảng bá được nghệ thuật cải lương, cũng như “thương hiệu” Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Còn bằng không, rất dễ mang lại hiệu ứng ngược.
Công bằng mà nói, tấm lòng của nghệ sĩ đến với bà con là có thật, nhưng chất lượng cũng như chương trình thì khó lòng được như mong đợi. Trước tiên, điều kiện âm thanh, ánh sáng, phông màn thường mang tính tạm bợ, rồi vở tuồng mới ít, nghệ sĩ phải ca trích đoạn hoặc ca lẻ nên dễ bị lặp lại chính mình. Chưa kể, lực lượng tham gia những chương trình này hầu hết là nghệ sĩ trẻ, hiếm khi có những ngôi sao sân khấu tham gia.
Có thể nói, thực trạng sân khấu cải lương cho thấy bộn bề công việc phải làm, phải chấn chỉnh. Nói như NSND Huỳnh Nga, cải lương không chết và khán giả cũng không quay lưng với cải lương, cho nên không có việc gì phải nâng cấp cải lương, mà chỉ có nâng cấp… người làm cải lương! Thật đáng phải suy ngẫm…
ĐỖ HẠNH
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.125344 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98742 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95526 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.93951
Trả lời