Xã hội hóa hoạt động sân khấu: Nỗi lo ‘ép duyên’ nghệ thuật

Xã hội hóa hoạt động sân khấu: Nỗi lo ‘ép duyên’ nghệ thuật

Chưa phân loại
15/05/2019
506 Lượt xem

(CLV) – Thời gian qua, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đã tạo nên động lực để đa dạng hóa các hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Đặc biệt tạo cơ hội mang đến doanh thu lớn, từng bước giúp các đơn vị dần thích nghi với cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, theo NSND Thanh Ngoan – Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam: Chủ trương xã hội hóa vẫn còn những tồn tại, bất cập bởi với các loại hình nghệ thuật kén khán giả vẫn đang loay hoay tìm hướng vận hành thích hợp.

Việc xã hội hóa sân khấu đang gặp nhiều vướng mắc trong việc triển khai. Ảnh minh họa.

Việc xã hội hóa sân khấu đang gặp nhiều vướng mắc trong việc triển khai. Ảnh minh họa.

Băn khoăn việc sáp nhập

Xã hội hóa hoạt động sân khấu là chuyển từ mô hình nhà nước bao cấp sang mô hình tự chủ tài chính, nhà hát phải tự hạch toán thu chi. Vì vậy, không ít đơn vị nghệ thuật lúng túng. Tâm lý ỷ lại, trông chờ vào ngân sách đã ăn sâu trong tiềm thức các nghệ sĩ, không dễ gì một sớm một chiều có thể từ bỏ. Ngoài ra, một nguyên nhân khiến xã hội hóa nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn đó là thế hệ kế cận được đào tạo bài bản trong các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp không còn được nhiều như trước. Lượng sinh viên làm nghề sau khi ra trường chiếm số ít và số lượng diễn viên trẻ thực sự có “nghề” lại rất ít khiến chất lượng nghệ thuật các nhà hát bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, theo chủ trương việc mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ giữ lại một đoàn nghệ thuật công lập truyền thống tiêu biểu trong quá trình thực hiện đã nảy sinh những bất cập. Nhiều địa phương lúng túng trong định hướng hoạt động còn các nghệ sĩ thì “thấp thỏm” lo lắng về tương lai.

Thời gian qua, rất nhiều người trong giới sân khấu đã lên tiếng, gọi đó là một cuộc “ép duyên” nghệ thuật, “trộn tấm với cám” khi đưa các loại hình nghệ thuật hầu như chẳng có mối liên hệ nào với nhau vào chung một “rọ”. Việc sáp nhập nhiều loại hình tuồng, chèo, kịch, cải lương thành một đã buộc các nhà hát phải rút gọn số lượng biên chế, nhưng khi dựng vở lại phải điều người đan chéo.

Có khi nghệ sĩ chèo phải diễn kịch, lấy cải lương sang diễn chèo và ngược lại. Rõ ràng, với sự đan chéo như vậy sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng chuyên môn các vở diễn. Mặt khác, tại tỉnh, thành phố việc sáp nhập các nhà hát lại được thực hiện theo các mô hình, cách làm khác nhau nên vô hình trung gây nên sự xáo trộn về nhân sự, tư tưởng, tình cảm của nghệ sĩ.

Song song với đó là sự lúng túng trong định hướng hoạt động. Bởi nếu sáp nhập, sẽ lựa chọn đối tượng nào làm nhà quản lý? Định hướng trong hoạt động nghệ thuật ra sao? Trong khi mỗi loại hình nghệ thuật (tuồng, chèo, cải lương) có tính đặc thù riêng. Ngoài ra, theo nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật truyền thống cho rằng, việc sáp nhập cơ học cũng dễ dẫn tới thực trạng nhiều tỉnh, thành phố không còn xác định đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Điển hình, như Đoàn kịch Thái Bình là một đơn vị có nhiều hoạt động sôi nổi, cho ra mắt nhiều vở diễn hay là thế, nhưng từ khi sáp nhập với ca múa thành Nhà hát Ca múa kịch Thái Bình thì kịch đã bị ca múa át vía. Tỉnh Thái Nguyên cũng từng có đoàn kịch mạnh với những vở diễn làm nức lòng người yêu kịch, nhưng khi nhập lại với ca múa thì hình ảnh của đoàn kịch cũng mờ dần rồi gần như biến mất hoàn toàn.

Theo đánh giá của Cục Nghệ thuật Biểu diễn việc sáp nhập lúc đầu sẽ gặp những khó khăn nhất định. Như giải quyết chế độ chính sách cho những nghệ sĩ hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Vì thực tế có nhiều nghệ sĩ đã cống hiến 20 – 30 năm, nhưng nay vẫn còn rất trẻ. Mặt khác, các nhà hát phải đồng thời tổ chức hoạt động có nhiều loại hình nghệ thuật trong đơn vị… Khó khăn này đòi hỏi những chính sách có tính đặc thù, phù hợp với từng địa phương để đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ sau khi sáp nhập và tránh tình trạng nóng vội khi xóa một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp.

Nỗi lòng nghệ sĩ

Có thể thấy, những “mô hình xã hội hóa” đang đứng trước nguy cơ tan rã. Không chỉ là chuyện không giúp nghệ sĩ sống được bằng nghề mà cũng không đóng góp gì cho việc và phát triển nền sân khấu Việt Nam. Thực tế là, trong khi chúng ta vẫn loay hoay với chuyện cơm áo gạo tiền, cơ sở vật chất thiếu đầu tư, nghệ thuật biểu diễn chậm đổi mới thì sân khấu thế giới đã áp dụng kỹ thuật số hàng chục năm nay. Đó là lý do nhà hát của họ luôn đông khách, có tiền đầu tư, xã hội hóa mà khổng ảnh hướng đến định hướng, phong cách của mình.

Xã hội hóa hoạt động sân khấu là một chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không đơn giản. Hoạt động xã hội sân khấu nước ta, từ khi phát động so với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục đặc biệt là so với các ngành văn hóa gần gũi như điện ảnh, xuất bản là chậm chạp, lúng túng thậm chí là bế tắc hơn cả. Để đi sâu phân tích có thể thấy, xã hội hóa là giải quyết hàng loạt vấn đề nổi cộm, chứ không đơn thuần là đưa các đoàn nghệ thuật công lập ra ở riêng.

Xã hội hóa nghệ thuật không thể nóng vội, đòi hỏi một tốc độ nhanh mà cần cần sự cân nhắc, tìm hiểu chu đáo với những bước đi thích hợp. Do đó, thực hiện chủ trương xã hội hoá ra sao để vừa đáp ứng được yêu cầu tái đầu tư sức lao động cho nghệ sĩ, vừa đạt được mục tiêu nghệ thuật mà bao năm qua các đơn vị đã theo đuổi, quả thực không dễ dàng gì. Bởi xã hội hóa sân khấu xét đến cùng là công chúng hóa, nhân dân hóa, chất lượng hóa, chuyên nghiệp hóa.

Nhìn chung, lộ trình tiến tới tự chủ của các đơn vị nghệ thuật công lập đầy chông gai, nhưng cũng chính là đòn bẩy để thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo trong nghệ thuật. Hướng đi nào cũng tạo nền tảng để các đơn vị thích nghi với quy luật xã hội, thích nghi với nền kinh tế thị trường, khuyến khích sức sáng tạo, đặc biệt là xóa bỏ sự trì trệ, lực cản trong tư duy bao cấp, trông chờ vào ngân sách nhà nước.

Minh Quân (ghi)


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *