Xã hội hóa VHNT: Vẫn chờ thêm nhiều “nhạc trưởng” tài năng

Xã hội hóa VHNT: Vẫn chờ thêm nhiều “nhạc trưởng” tài năng

Chưa phân loại
15/03/2019
496 Lượt xem

Kích thích tinh thần tự chủ, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, huy động các nguồn lực xã hội vào việc tạo ra giá trị văn hóa, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thực tiễn, xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật đang được đẩy mạnh trên cả nước.
Nhiều đơn vị, tổ chức sáp nhập, thu gọn, được kỳ vọng sẽ góp phần tinh giản biên chế, giảm gánh nặng cho ngân sách và hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tế đang phát sinh nhiều vấn đề nan giải, dù người trong cuộc liên tiếp khẳng định, chủ trương xã hội hóa không sai và đây là xu hướng tất yếu.

Hồi sinh những… con phố “chết”?

Ngày 9-3, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” chính thức mở hội tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Một trong những điểm mới và cũng là điểm nhấn là Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột khai trương đúng ngày khai mạc lễ hội.
Do Công ty Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột vận động đầu tư (xã hội hóa 100%), vận hành, quản lý và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương theo dõi, giám sát các hoạt động, đường sách là dự án nhằm tạo nên một sản phẩm văn hoá du lịch, góp phần phát triển văn hoá đọc cho cộng đồng tại thủ phủ cà phê Việt Nam.
Được triển khai trên khoảng 100m đường hẻm 2 Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột, Đường sách cà phê này còn được kỳ vọng sẽ biến một con phố “chết” thành một con đường văn hoá, góp phần tạo dựng và tôn vinh văn hóa đọc, tạo điểm đến trải nghiệm văn hóa, du lịch Đắk Lắk, điểm đến thưởng thức cà phê, văn hóa cà phê và văn hóa truyền thống dân tộc dân gian Tây Nguyên.

Sân khấu cải lương ngày càng hiện đại hơn trong nỗ lực tiếp cận khán giả trẻ.

Sân khấu cải lương ngày càng hiện đại hơn trong nỗ lực tiếp cận khán giả trẻ.


Lấy cảm hứng từ mái nhà dài của đồng bào Ê Đê, cách điệu thành các gian hàng sách cà phê và cà phê sách đặc trưng góp phần quảng bá văn hóa đọc, văn hóa cà phê và văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa, từ đó nâng cao niềm tự hào, tình yêu quê hương xứ sở.
Trong đó, phố bích hoạ Tây Nguyên với hơn 200m² tranh tường bích hoạ là câu chuyện về văn hoá đặc trưng của đồng bào bản địa với bến nước, nhà dài, cồng chiêng, những chú voi Buôn Đôn, những vườn cà phê đặc sản chín đỏ … Đây cũng là điểm checkin của cộng đồng và du khách trong dịp lễ hội và là sản phẩm du lịch đặc trưng địa phương.
Các gian hàng cà phê sách và sách cà phê là địa chỉ để du khách thưởng thức những ly cà phê Buôn Mê đậm vị, tròn hương, được tham gia tìm hiểu và trải nghiệm văn hoá cà phê, quy trình sản xuất chế biến cà phê đặc sản. Những người yêu sách có thể tìm đọc các tác phẩm văn học, hoặc góp sách tại các tủ sách cộng đồng, các kệ sách miễn phí. Cũng tại đây còn có các gian hàng đặc sản địa phương, quà tặng lưu niệm và đồ ăn nhanh để phục vụ du khách và cộng đồng.
Đường sách cà phê Buôn Mê Thuột là mô hình được nhân rộng từ thành công của Đường sách TP Hồ Chí Minh – một trong những dự án đường sách xã hội hóa đầu tiên, thành công nhất trên cả nước, nếu tính đến thời điểm hiện tại.
Đường sách Nguyễn Văn Bình nhộn nhịp dịp Tết.

Đường sách Nguyễn Văn Bình nhộn nhịp dịp Tết.


Được triển khai trên đường Nguyễn Văn Bình, Đường sách TP Hồ Chí Minh đã biến con phố nhỏ ngay giữa trung tâm đô thị lớn hàng đầu cả nước thành điểm sáng văn hóa trong nước và khu vực. Đến nay, Đường sách TP Hồ Chí Minh không chỉ là điểm đến yêu thích của người dân và du khách với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, được nhiều tổ chức của nhiều quốc gia trong khu vực đến tìm hiểu, học hỏi mà còn giúp các đơn vị tham gia hoạt động tại đây mang về doanh thu đáng kể.
Thống kê của Ban quản lý Đường sách cho thấy, từ năm 2016, tổng doanh thu của các đơn vị tại Đường sách đã đạt 26,4 tỷ đồng, năm 2017 là 39,51 tỷ đồng, năm 2018 là 39,84 tỷ đồng. Trong đó, có 7 đơn vị đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng, 4 đơn vị đạt doanh thu trên 3 tỷ đồng và 2 đơn vị là Nhà xuất bản Trẻ đạt trên 6,4 tỷ đồng, Nhã Nam đạt trên 4,6 tỷ đồng.
Cả số lượng sách bán ra và hoạt động văn hóa tại đây cũng tăng lên không ngừng. Cụ thể, năm 2016, có gần 500.000 bản sách bán ra tại Đường sách; năm 2017 là 746.311 bản; năm 2018 là 775.067 bản.
Năm 2018, Đường sách thu hút 2,7 triệu lượt người, có đến 15 hoạt động chủ đề gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa; 20 cuộc trưng bày, triển lãm sách, tranh, ảnh, vật phẩm văn hóa; 176 chương trình giới thiệu sách mới, giao lưu tác giả, kí tặng sách, các buổi nói chuyện, tọa đàm. Tết Nguyên đán vừa qua, mỗi ngày địa chỉ này thu hút lượt khách tham quan đông đảo, trung bình từ 5.000 – 6.000 lượt người/ ngày. 9 gian hàng bán xuyên Tết và gian hàng ở lòng Đường sách của Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam đã mang về doanh thu gần 3,9 tỷ đồng.
Một hoạt động khác không thể không kể đến trong phát triển thị trường văn học nghệ thuật theo chủ trương xã hội hóa là Hội sách TP Hồ Chí Minh. Tổ chức 2 năm 1 lần, vừa kích thích nhu cầu mua sách, vừa tôn vinh văn hóa đọc, thu hút hàng triệu lượt người tham gia, năm 2018 Hội sách này đã có 300.000 đầu sách, 30 triệu bản sách được bán ra, mang về doanh thu 60 tỷ đồng. Khoảng 100 sự kiện liên quan đến văn học nghệ thuật được tổ chức trong dịp này.
Sau thành công của Đường sách và Hội sách TP Hồ Chí Minh, nhiều năm trở lại đây, cả hai mô hình này đều được nhân rộng tại rất nhiều địa phương như: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu…
Tuy nhiên, địa phương tổ chức thành công nhất vẫn là TP Hồ Chí Minh. Tại Thủ đô Hà Nội, dù người dân và du khách đã có một phố sách khang trang, các gian hàng bắt mắt tại đường 19 tháng 12 nhưng chính những người trong cuộc cũng từng thừa nhận, để trở thành một địa chỉ lý tưởng cho người yêu sách thì đường sách Hà Nội còn cần nhiều sự điều chỉnh cho phù hợp, thường xuyên hơn.

Tránh lặp lại vết xe đổ

Thực tế, TP Hồ Chí Minh không chỉ dẫn đầu cả nước về hoạt động xã hội hóa trong xuất bản, văn hóa đọc. Đây còn là địa phương dẫn đầu cả nước về xã hội hóa trong các lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, điện ảnh. Trong tổng số khoảng 40 phim truyện điện ảnh Việt Nam chiếu rạp mỗi năm, phần lớn nhà sản xuất đều nằm ở thành phố này. Dù doanh số phòng vé mang về, như công bố của các đơn vị mỗi năm một tăng. Chuyện phim Việt liên tiếp phá vỡ kỷ lục phòng vé với các con số trăm tỷ mang về sau công chiếu đã không còn là hiện tượng quá bất ngờ.

Cảnh trong vở “Nữ ca sĩ hói đầu” của LucTeam.

Cảnh trong vở “Nữ ca sĩ hói đầu” của LucTeam.


Riêng vụ phim Tết và ngay đầu năm 2019, điện ảnh Việt đã chứng kiến 2 cuộc bứt phá kỷ lục nếu xét về khía cạnh doanh thu: “Cua lại vợ bầu”, “Hai Phượng”… Tuy nhiên, sự phát triển này không khiến người đam mê điện ảnh hài lòng khi chiếm phần lớn dự án phim đều nặng về giải trí, thương mại, vẫn còn không ít bộ phim bị xếp vào dạng nhảm, nhạt, dù rằng, có phim có doanh thu, có phim lặng lẽ ra rạp và mất hút ngay sau đó.
Từng là “cánh chim đầu đàn” trong xã hội hóa sân khấu với hàng loạt “thương hiệu” như Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, sân khấu kịch Phú Nhuận, Hoàng Thái Thanh…, nhưng vài năm gần đây, sau khát vọng làm nghề của nghệ sĩ, sân khấu xã hội hóa tại TP. Hồ Chí Minh đang dần bộc lộ nhiều nhược điểm.
Nói như Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư thì so với thời kỳ đầu xã hội hóa sân khấu, đến nay, cần thẳng thắn nhìn nhận, nhiệt huyết sáng tạo của văn nghệ sĩ đã phần nào giảm sút, nguội lạnh. Diện mạo của dân khấu hôm nay bộc lộ sự lúng túng trong định hướng, mọi cảm xúc sáng tạo đang được thả nổi, khán giả đến coi sân khấu chủ yếu là giải trí. Lớp khán giả yêu thích sân khấu đang già đi.
Sân khấu phía Bắc, sau một thời gian dài khủng hoảng khán giả, quen với sự ủ ấm của cơ chế bao cấp, đến nay cũng dần chuyển động. Người yêu mến sân khấu chứng kiến sự “chào đời” của hàng loạt đơn vị sân khấu xã hội hóa, trong đó nổi bật và tích cực nhất phải kể đến LucTeam của đạo diễn, nghệ sĩ Trần Lực với các vở “Quẫn”, “Cơn ghen của Lọ Lem”, “Nữ ca sĩ hói đầu” trung thành và lạ lẫm với phong cách ước lệ – biểu hiện hay sân khấu của NSND Lệ Ngọc, câu lạc bộ sân khấu thử nghiệm của NSND Trần Nhượng…
Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Sân khấu Việt Nam sau một thời gian vắng lặng cũng sôi động trở lại khi NSND Thúy Mùi, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội đảm nhận cương vị Giám đốc. Hàng loạt các dự án sân khấu nhằm đưa nghệ thuật sân khấu nói chung, sân khấu truyền thống nói riêng đến với khán giả được “nữ tướng” của làng chèo bắt tay triển khai. Kết hợp nghệ thuật biểu diễn với du lịch đến một số “sân chơi” mang tính chuyên môn ngay tại trụ sở của Hội Nghệ sĩ sân khấu.
Nhà hát Cải lương Việt Nam, đơn vị được cho là khó khăn nhất trong hệ thống nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì… gần 70 năm chỉ “lang thang” biểu diễn cũng đánh dấu sự chuyển mình với khá nhiều vở diễn chỉn chu, nghiêm túc, huy động từ nguồn xã hội hóa: “Vua Phật”, “Hừng Đông”…
NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam thừa nhận, xã hội hóa là xu hướng chung, nghệ sĩ Nhà hát buộc phải nhập cuộc nếu muốn tồn tại, phát triển. Sau thành công của sự kiện kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, đặc biệt là vở “Thầy Ba Đợi” hội tụ lực lượng hùng hậu nghệ sĩ cải lương hai miền Nam – Bắc, sân khấu cải lương Việt Nam đang rất rộn ràng với các dự án của các đoàn nghệ thuật xã hội hóa.
Sau Chí Linh – Vân Hà hay công ty của NSƯT Kim Tử Long, soạn giả Hoàng Song Việt cũng bắt đầu khởi động thành lập công ty biểu diễn Song Việt. Riêng Nhà hát Cải lương Việt Nam, ngoài chung tay góp sức trong một số dự án cùng các đồng nghiệp phía Nam, năm 2019 sẽ đưa“Chuyện tình Khau Vai”, một vở diễn được đánh giá cao để đưa đi sang Nam Ninh, Trung Quốc giao lưu, biểu diễn, kết hợp với Nhà hát Chèo Việt Nam dựng “Ngàn năm mây trắng” – vở diễn về nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng, mang tính thử nghiệm, có kết hợp giữa cải lương, chầu văn, hát chèo.
Đội ngũ của nhà hát cũng tách thành 2 đoàn. Một đoàn chịu trách nhiệm bảo tồn các di sản vốn quý của nghệ thuật sân khấu cải lương. Một đoàn phát huy di sản thông qua các tác phẩm ít nhiều mang tính thể nghiệm. Vở diễn mới “Vì sao lạc xứ” vừa khởi công đầu tháng 3, êkip còn mạnh dạn đưa những gương mặt diễn viên vừa tốt nghiệp vào đảm nhận vai chính, thậm chí còn có một số ý tưởng táo bạo cho cải lương trong tương lai gần như kết hợp với balê, âm nhạc đường phố, mời ca sĩ VPop tham gia biểu diễn để tăng sự giao thoa, thu hút sự chú của giới trẻ…
Tuy nhiên, thực tế của sân khấu xã hội hóa của TP. Hồ Chí Minh vẫn là bài học nhỡn tiền mà sân khấu xã hội hóa phía Bắc khó lòng tránh được nếu không có sự thay đổi, điều chỉnh nhất định về cơ chế chính sách trong tương lai gần. Nếu nói như cách tự trào pha chút chua xót của NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam là có lẽ nghệ sĩ của đơn vị đã quá quen với thiếu thốn vất vả.
Gần 70 năm lang thang khắp nơi biểu diễn phục vụ công chúng, không có điểm diễn cố định nhưng cứ có dự án là nghệ sĩ không ngại lao tâm khổ tứ đầu tư cho tác phẩm. Chỉ có điều, nếu vở chỉ diễn đôi ba buổi rồi xếp kho thì phí quá. Đi thuê rạp diễn, mỗi buổi vài chục triệu đồng trong điều kiện sân khấu còn khủng hoảng khán giả như hiện nay là điều kiện bất khả thi. Nếu đưa đi lưu diễn các tỉnh, có khi chỉ là sân khấu tạm bợ dựng trên bãi đất trống, diễn viên vẫn biểu diễn được nhưng kết quả chắc chắn sẽ hạn chế. Tâm huyết của người nghệ sĩ thành ra phí hoài.

Minh Hà


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *