Ì xèo chuyện bản quyền sân khấu: Dùng tình, chưa hiểu lý
Khi phát hiện bị vi phạm, quyền tác giả mới quan tâm, lên tiếng và ngồi chờ sự biết điều của người vi phạm nhưng không phải người vi phạm nào cũng…biết điều
Sau khi bị lên án vi phạm bản quyền sân khấu, diễn viên Gia Bảo đã liên hệ với người viết để xin địa chỉ của gia đình soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng, nhằm xin phép và thanh toán bản quyền tác phẩm “Nửa đời hương phấn” mà anh đã sử dụng.
Tình cảm trên hết
Gia Bảo tâm sự: “Những lỗi lầm vừa qua dạy cho tôi nhiều bài học. Tôi đã vô ý làm cho khán giả quý mến mình có những suy nghĩ khác về bản thân tôi trong việc làm nghề, đồng thời khiến các nghệ sĩ đồng nghiệp, các cô chú trong ngành nghề phiền lòng. Tôi xin lỗi và mong nhận được sự tha thứ”.
Đối với giới sáng tác sân khấu, gần như không chú ý nguyên tắc xin phép và cho phép bằng văn bản. Lâu nay, cứ đơn vị hoặc cá nhân nào quen biết đến gặp tác giả sân khấu xin phép là họ đồng ý ngay, rất hiếm trường hợp bị từ chối.
NSND Kim Cương nói: “Giới sáng tác sân khấu từ trước đến nay không nhiều người nổi tiếng. Tình cảm chính là sự tôn trọng, tiếng chào cao hơn mâm cỗ. Một số người vì thế cứ nghĩ đơn giản làm đi rồi khi nào gặp tác giả thì xin. Điều đó dẫn đến những tranh chấp không đáng có”.
NSND Kim Cương cho biết trong số những sáng tác của bà, ngoại trừ 2 tác phẩm “Lá sầu riêng” và “Dưới hai màu áo”, bà sẵn lòng cho phép các đơn vị, cá nhân sử dụng nhưng phải trao đổi và có sự đồng ý của bà.
Thực tế lâu nay, đội ngũ sáng tác kịch bản xem nhẹ việc đăng ký bản quyền các tác phẩm sáng tác của mình để được pháp luật bảo vệ. Khi xảy ra tranh chấp, lại ngại đưa nhau ra tòa nên các vụ vi phạm bản quyền thường không được giải quyết đến nơi đến chốn. Việc vi phạm bản quyền sân khấu trong một số chương trình truyền hình gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với người làm nghề, phải biết quan tâm hơn vấn đề pháp lý cho đứa con tinh thần của mình. Kể cả người sử dụng cũng phải tuân thủ pháp luật và thực hiện nghiêm túc.
Cấm sử dụng không phải là biện pháp hay
Hiện nay, trong giới sân khấu có 2 gia đình nghệ sĩ đã tuyên bố không cho sử dụng kịch bản của cha mình dưới mọi hình thức, đó là gia đình đạo diễn Nguyễn Hồng Dung (con gái của soạn giả – NSND Nguyễn Thành Châu) và gia đình NSƯT Quế Trân (con gái của tác giả – đạo diễn NSND Thanh Tòng). Dù không công bố bằng văn bản nhưng người làm nghề ai cũng biết và không đụng tới mỗi khi nghĩ đến những sáng tác của 2 bậc tiền bối này bởi gia đình họ đã lên tiếng. “Ba tôi lúc sinh thời từng muốn đốt hết những kịch bản của ông. Ông buồn khi thấy một số nghệ sĩ sử dụng chất xám của ông và nhiều soạn giả khác bằng thái độ không biết trân trọng. Họ tự ý chỉnh lý, sửa chữa mà không hề xin phép. Tuy nhiên, sau đó ba tôi đổi ý, ông đăng ký bảo hộ toàn bộ tác quyền, trao quyền sở hữu đó lại cho con cháu trong gia tộc” – NSƯT Quế Trân thông tin.
Với đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, bà cũng không đồng ý việc một số đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ sử dụng sáng tác của NSND Nguyễn Thành Châu một cách bừa bãi.
Tuy nhiên, cấm sử dụng không phải là biện pháp hay bởi các tác phẩm bất hủ của những soạn giả này đã được giới chuyên môn đánh giá là khuôn mẫu của sân khấu cải lương và tuồng cổ. Một tác phẩm có sức sống và tạo sức lan tỏa khi nó được dàn dựng nhiều phiên bản khác nhau, phục vụ công chúng mến mộ. “Nó không thể cất vào kho và im lìm theo năm tháng, công chúng chính là người thiệt thòi, nhất là người trẻ khi biết đến danh tiếng của NSND Nguyễn Thành Châu, NSND Thanh Tòng mà không được xem tác phẩm của 2 ông. Tôi nghĩ gia đình đã đăng ký tác quyền có nghĩa không phải không muốn cho sử dụng. Nếu đơn vị, cá nhân sử dụng làm đúng thủ tục, có uy tín trong giới thì gia đình nên cho phép dàn dựng” – đạo diễn NSND Huỳnh Nga nói.
Cần tổ chức quản lý bản quyền
Không phải trường hợp vi phạm bản quyền nào cũng cố ý. Từ nhiều năm qua, có tình trạng người muốn sử dụng kịch bản sân khấu không biết người sở hữu bản quyền là ai hoặc đang ở đâu để thương lượng xin phép biểu diễn. “Trước đây, Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM có yêu cầu các sân khấu biểu diễn phải có giấy ủy quyền hoặc giấy cho phép dàn dựng kịch bản của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm thì mới đủ điều kiện cấp phép biểu diễn nhưng hình thức này nay không còn. Mỗi khi muốn dàn dựng kịch bản sân khấu, người sử dụng không biết tìm đến nơi nào, tìm ai để xin phép và thanh toán tác quyền. Chúng tôi rất cần có một tổ chức đại diện hợp pháp thay mặt tác giả và quyền sở hữu tác phẩm cung cấp, cho phép sử dụng tác phẩm sân khấu và thực hiện bảo vệ quyền lợi cho tác giả cũng như đòi hỏi người sử dụng có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tác quyền” – NSƯT Kim Tử Long nói.
Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan đề nghị sân khấu cũng cần có trung tâm bảo vệ tác quyền như bên lĩnh vực ca nhạc. Điều này rất cần sự đồng tâm hợp lực của gia đình các tác giả bởi một số tác giả đã qua đời, con cháu của họ nắm giữ bản quyền và không hợp tác trong việc cung cấp đầy đủ kịch bản gốc, dẫn đến khó xin phép và thanh toán tác quyền cho lĩnh vực này.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.130179 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98784 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95578 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94021
Để lại một bình luận