Yêu cầu rà soát nghệ sĩ nhận hỗ trợ vì Covid-19

Yêu cầu rà soát nghệ sĩ nhận hỗ trợ vì Covid-19

10/09/2021
522 Lượt xem

(CLV) – Trong văn bản mới, Bộ Văn hóa yêu cầu các Sở và đơn vị nghệ thuật rà soát danh sách nghệ sĩ nhận hỗ trợ khó khăn, tránh tình trạng áp dụng cứng nhắc.

Ngày 8/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản gửi đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, trung tâm văn hóa các tỉnh, thành phố. Nội dung văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có đối tượng nghệ sĩ, diễn viên đang giữ ngạch viên chức hạng IV.

Bộ Văn hóa yêu cầu các đơn vị cần rà soát danh sách để đảm bảo chính sách được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, phù hợp hoàn cảnh của từng nghệ sĩ, diễn viên và không làm phát sinh thủ tục hành chính.

Ho tro nghe si kho khan Covid-19 anh 1

Thanh Hương là một trong những nghệ sĩ có tên trong danh sách được hỗ trợ khó khăn vì Covid-19.

Nội dung văn bản cũng nhấn mạnh quá trình rà soát phải được thực hiện công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của tập thể đơn vị và không áp dụng một cách cứng nhắc, dập khuôn.

Trước đó, trong tháng 8, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội công bố danh sách 99 viên chức đã được hỗ trợ khó khăn. Họ là đạo diễn, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV của 6 nhà hát trực thuộc Sở: Ca múa nhạc Thăng Long, Chèo Hà Nội, Cải lương Hà Nội, Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội, Múa rối Thăng Long, Kịch Hà Nội. Mỗi cá nhân nhận được số tiền hỗ trợ 3,71 triệu đồng.

Xung quanh chính sách hỗ trợ này, dư luận đưa ra những ý kiến trái chiều. Một số trường hợp được cho là không thuộc diện khó khăn thực sự nhưng lại có tên trong danh sách như diễn viên Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh…

Trao đổi với Zing, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, cho rằng chính sách hỗ trợ nghệ sĩ trong giai đoạn này là cần thiết và kịp thời. Song, ông Sơn bày tỏ một số trường hợp được trợ cấp vừa qua chưa đúng đối tượng.

“Thực tiễn rất đa dạng. Khi chính sách không bao phủ được thực tiễn thì phải điều chỉnh để phù hợp hơn. Theo tôi, chính sách không nên chỉ áp dụng đối với viên chức mức lương hạng IV. Nhiều hoàn cảnh khác đang gặp khó khăn như những nhân viên hậu đài chẳng hạn. Ngoài ra, nghệ sĩ hoạt động tự do cũng cần được nhận khoản trợ giúp theo cách nào đó. Theo tôi, ngành văn hóa có thể hình thành một kênh liên lạc, kênh thông tin để nghệ sĩ có tiếng nói của mình”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Ly Nguyễn


5/5 - (1 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *