Cách đây hơn 20 năm, Việt Nam đã có những “thước phim kinh dị” ghê như thế này!
Có những tuồng cải lương từ thập niên chín mươi với kĩ thuật quay dựng thô sơ nhưng bây giờ xem lại vẫn thấy rợn tóc gáy, thậm chí còn hơn khối phim kinh dị Việt Nam.
Cách đây không lâu, cộng đồng mạng xôn xao vì một đoạn clip cắt ra từ một tuồng cải lương Hoàng Hậu Không Đầu (1994) vì “tính kinh dị” của nó. Có thể lớp trẻ thời nay, và cả người Bắc, người Trung, sẽ thấy hơi xa lạ nhưng lứa 8x trở về trước ở Sài Gòn, miền Tây chắc chắn sẽ biết “nguồn gốc” của clip này.
Hoàng Hậu Không Đầu là một câu chuyện đau thương của công chúa Huyền Sương (Phượng Mai) sau khi được gả cho Hoàng đế Khánh Tiên (Minh Vương). Vì bị ma quỷ mưu hại chốn tẩm cung mà Huyền Sương phải chịu án tử hình khi can tội ăn thịt cung nữ. Nỗi hận oán cừu không thể siêu thoát nên mỗi khi đêm về, hoàng hậu Huyền Sương với tấm thân thất thủ lại ôm con đi mua sữa, còn chiếc đầu đẫm máu bay lững lờ cạnh bên để hát ru con.
Bạn thấy đấy, kĩ thuật quay dựng và setup bối cảnh ngày xưa rất thô sơ. Chỉ đơn giản là dùng khói màu rồi thêm hiệu ứng. Kĩ thuật cắt ghép tất nhiên là còn rất sơ sài và thủ công, đạo cụ phục trang cũng rất giả, nhưng hiệu quả mang lại vô cùng ép-phê. Đặc biệt là phần âm thanh sử dụng kết hợp giữa các tiếng động eo éo, các nhạc cụ dân tộc cùng giọng hát, nói rất thê lương của nghệ sĩ khiến cho nỗi sợ được tăng lên nhiều lần.
Bản thân người viết ngày còn nhỏ mỗi lần phải xem những tuồng mang hơi hướm ma quái như vậy là phải tranh thủ đi vệ sinh trước để sau đó trùm mền ngủ luôn. Có thể nói việc phải “chiều lòng” ông bà xem cải lương mỗi ngày từ nhỏ riết rồi thành ra yêu quý bộ môn nghệ thuật này giờ lại trở thành một gia sản quý giá mà không phải ai cũng có khi cải lương đang ngày càng mai mốt.
Tất nhiên, độ “kinh dị” trong cải lương xưa không chỉ có Hoàng Hậu Không Đầu. Còn rất nhiều tuồng từ tâm lý xã hội đến hồ quảng đều hay có những chi tiết oan hồn, địa ngục, ma quỷ và tuồng nào cũng “kinh dị” như nhau. Chẳng hạn như tuồng Ngôi Nhà Ma dưới đây kể về một bí mật được che giấu trong chính ngôi nhà của một cô giáo trẻ.
Trích đoạn tuồng Ngôi Nhà Ma
Cảnh những oan hồn hiện về báo oán Diệu Trang Vương trong tuồng Công Chúa Diệu Thiện cũng là một ví dụ. Đây là một điển tích khá phổ biến của Trung Quốc kể về sự tàn bạo của một vị vua và cô công chúa lương thiện phải móc mắt, chặt tay mà trả nợ thay cha.
Quang cảnh địa phủ tái hiện ghê rợn trong Mục Kiều Liên Cứu Mẹ cũng là một đòn chí tử của nhiều người.
Điểm chung của những đoạn trích trên đây là kết hợp sử dụng khói màu và âm thanh ma quái cùng những góc quay cận mặt và nét diễn rất xuất thần của các nghệ sĩ. Nhưng, cải lương thời ấy còn một “chiêu” gây sợ hãi khác nữa chính là hóa trang. Dĩ nhiên công nghệ hóa trang cách đây hai mươi năm thì chỉ có thể dùng bút tô tô vẽ vẽ lên mặt, hoặc đeo mặt nạ, nhưng có một số nhân vật vẫn khiến trẻ em chết khiếp.
Chung Vô Diệm với tạo hình đầu mọc sừng, mũi chó, răng nanh dài là một vai diễn gây dấu ấn trong sự nghiệp của nghệ sĩ Tài Linh. Đồng thời tuồng Chung Vô Diệm năm 1993 còn gây ấn tượng vì thời lượng lên đến hơn 6 tiếng với nhiều cảnh quay công phu so với mặt bằng chung hồi ấy, tái dựng toàn bộ điển tích về nhân vật ấn tượng trong lịch sử văn hóa Trung Hoa.
Nói vui một chút, qua những tuồng cải lương này mới thấy các đạo diễn phim kinh dị Việt Nam ngày nay vẫn đang loay hoay trong việc tìm ra hướng đi cho một bộ phim kinh dị có thể khiến khán giả hoảng sợ. Trong khi cách đây hơn hai thập kỉ đã có những đạo diễn sân khấu làm rất tốt điều này trong những sản phẩm vốn không hướng đến sự sợ hãi.
Thiết nghĩ điều họ thành công chưa phải là một câu chuyện ám ảnh mà trước hết nằm ở việc hiệu ứng, âm thanh lẫn việc hóa trang, dựng cảnh. Chúng ta là người châu Á, thế nên những thứ khiến chúng ta sợ buộc phải dính đến những đặc trưng văn hóa của người châu Á. Đó không phải là những con ma tóc dài áo trắng rất phổ thông trong phim kinh dị Hollywood, mà nó phải là những hình ảnh gây hiệu ứng thị giác mang hơi hướm ma quỷ, màu sắc gần với văn hóa và tín ngưỡng người phương Đông.
Bài viết này không phải bình xem phim kinh dị Việt Nam áp dụng những chiêu thức của những tuồng cải lương có tuổi đời hơn 2 thập kỉ hay không, mà là để những người chưa biết hiểu rằng khán giả Việt Nam sẽ sợ hãi với những thứ gì.
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.126617 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98752 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95541 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.93973
Trả lời