Cuối đời xót xa của của nữ nghệ sĩ chuyên đóng vai “dì ghẻ” nổi tiếng Việt Nam
Theo nghiệp cầm ca từ khi mười mấy tuổi đầu, nghệ sĩ Hồng Sáp đã kinh qua biết bao vai diễn, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem. Nay đã ở cái tuổi xế chiều nhưng người nghệ sĩ ấy vẫn trôi nổi y như con đường mà bà đã gắn bó gần cả cuộc đời. Bà càng chua xót hơn với thực tại phũ phàng, cái nghèo đói đeo bám khiến bà phải vắt kiệt sức để đổi lấy chén cơm manh áo sống qua ngày. Trót lấy phận tằm, người nghệ sĩ ấy phải trả nợ dâu.
Từ “dì ghẻ” bị ghét nhất trên sân khấu
Nghệ sĩ Hồng Sáp tên thật là Bùi Thị Sáp (SN 1937, tại Hà Nội). Sinh ra trong gia đình mang nghiệp cầm ca nên ngay từ nhỏ bà đã cùng gia đình trôi nổi theo gánh hát mưu sinh khắp “Nam Kỳ lục tỉnh”. Cha bà, một nhạc công sở hữu món đờn mùi mẫn. Mẹ bà là đào hát có tiếng ca trời phú, – nghệ sĩ Hồng Phấn. Ngón đờn của cha, tiếng hát của mẹ đã ngấm vào người của cô bé Sáp ngày từ thưở lên ba.
Năm Hồng Sáp 10 tuổi, bố mẹ cô lần lượt qua đời bỏ lại hai đứa con côi cút. Từ đó cô bé Sáp thay bố mẹ đã khuất chăm sóc đứa em gái nhỏ. Hai đứa trẻ mồ côi lang thang khắp gánh hát lay lắt sống qua ngày.
Hồng Sáp quyết định nối nghiệp của cha mẹ, song con đường ấy không bằng phẳng như bà tưởng mà đầy rẫy trắc trở chông gai. Cùng thời với bà có Thiên Kim, Lệ Thẩm, Hùng Minh, Hữu Phước… Mười bốn tuổi, bà chính thức bước lên sân khấu song chỉ ở vai trò một diễn viên múa minh họa hoặc đảm nhận những vai diễn “câm” (những vai diễn không có lời thoại). Không chỉ vậy, những công việc bưng trà, chuẩn bị phục trang cho những đào chính Hồng Sáp cũng phải phục vụ một cách tận tình. Những tưởng cực khổ ấy sẽ làm cô bé nhụt chí. Ấy vậy nó lại trở thành động lực giúp Hồng Sáp phấn đấu để trở thành những đào hát chính trong gánh hát.
Nghệ sĩ Hồng Sáp kể hồi ấy bà “bị ghét” vì những vai đào “độc”, “lẳng”. Cho đến bây giờ, trong ký ức nhạt phai của bà như còn thấp thoáng đâu đó hình ảnh của mình trong những vở cải lương một thời làm say lòng người như: Tấm Cám, Tình sử A Nàng, Lá chắn biên thùy, Sấm dậy hận lòng thơ, Hai dòng sữa mẹ… Sở trường của nghệ sỹ Hồng Sáp không phải ở những vai mùi mẫn, sướt mướt mà ở vai những vai phản diện bà đảm nhận đều khiến khán giả xem phải căm ghét.
“Để đóng những vai chính diện, là những người hiền lành trên sân khấu thường xuyên cười, làm những việc tốt thì hầu như người nghệ sĩ nào cũng có thể diễn đạt được. Nhưng ở những vai ác thì không hề đơn giản như vậy. Có khuôn mặt hợp với vai thôi thì chưa đủ, điều quan trọng là người diễn có làm toát lên được vẻ độc ác mà nhìn vào khuôn mặt người xem phải chửi rủa. Giọng nói thì phải gằn giọng, đay nghiến. Những phân cảnh ra tay đánh người thì buộc mình phải vung tay đánh thật mạnh có thế mới đúng bản chất của nó. Tôi là người lột tả hết được cái ác trong vai diễn nên thường xuyên được các vị đạo diễn lựa chọn. Đó là trên sân khấu, chứ kỳ thực mình không ác như vậy đâu”, hai mắt bà sáng lên, tươi cười chia sẻ kinh nghiệm nghề.
Đó là thành công của người nghệ sĩ, nên hầu hết bà đều đóng những vai ác. Ở những thập niên 70, khán giả sẽ không quên được Hồng Sáp vai mụ dì ghẻ trong vở “Tấm Cám”. Bà đã hóa thân vào nhân vật, diễn tả như chính đó là cuộc sống của bà. Bà bảo, chính từ vai diễn đó đã mang đến tên tuổi cho Hồng Sáp, nhưng bị người ta chửi rủa “mụ dì ghẻ ấy thật độc ác”. Sau mỗi buổi diễn đi đến đâu bà cũng nghe người ta ghét cay ghét đắng mụ dì ghẻ mà mình đóng.
Đến tuổi thành gia lập thất, bà nên duyên với soạn giả Thạch Cầm. Hơn nửa thế kỷ trước, để theo niềm đam mê của mình người nghệ sỹ phải cam chịu sống trong cảnh túng thiếu. Riêng nghệ sỹ Hồng Sáp thì cái khổ nhân lên gấp bội phần. Ngoài làm đào hát, bà còn buôn gánh bán bưng để kiếm sống.
“Ngày trước đi hát chung, nhiều đồng nghiệp cũng quyên góp ủng hộ tôi tiền để mướn người giữ mấy đứa nhỏ. Khi đoàn Huỳnh Long giải thể, một số anh em gom lại, lập một đoàn nhỏ “đóng” tại đình Nhơn Hòa. Đêm hát, còn ban ngày, tôi đi dạo quanh chợ xem món nào rẻ, mua về bày trước đình bán lại kiếm vài ba đồng lời lo cơm áo cho con. Nhưng nó khó hơn tôi tưởng, đang là một nghệ sĩ đứng trên sân khấu với áo xiêm lỗng lẫy, bỗng biến thành một người phụ nữ khắc khổ ngồi bán rau cũng làm tôi ngại. Nhiều người tới mua đều chỉ chỏ hỏi “Đây có phải là Hồng Sáp không vậy? Sao bà lại ra đây ngồi bán rau thế này? …”, người nghệ sĩ bùi ngùi kể.
Đến người ngoại khắc khổ trên truyền hình
Thời thế thay đổi, kéo theo đó, sở thích của con người cũng biến đổi theo. Những năm đó dòng nhạc tuồng, cải lương Hồng Sáp theo đuổi nổi danh là vậy, nhưng dần dần chẳng còn ai đoái hoài, hay bỏ tiền ra mua vé đi xem. Những gánh hát dần tan rã. Nhưng nghệ sĩ Hồng Sáp vẫn quyết tâm bám trụ với nghề mặc cảnh đói kém đến cùng cực.
Từ một nghệ sĩ hát cải lương trên sân khấu, Hồng Sáp chuyển qua thành diễn viên đóng phim khi vẻ khắc khổ của bà mà lọt vào “mắt xanh” của nhiều vị đạo diễn. Chỉ xuất hiện ở những phân cảnh ngắn ngủi trên phim, nhưng khoảnh khắc diễn xuất của lão nghệ sĩ Hồng Sáp luôn để lại ấn tượng với người xem như trong các bộ phim: Dốc Tình, Xóm cào cào, Mùi gò gai, Tình cha con, Mây trắng ngang trời …
Đúng như vậy, ấn tượng đến từ khuôn mặt già nua, cái dáng khắc khổ trong những nhân vật bà thể hiện. Vai diễn ngắn nhưng có thể làm cho khán giả ngậm ngùi trước nỗi thống khổ hằn sâu vào đôi mắt. Trong bộ phim “Khóc thầm” Hồng Sáp đóng vai người bà khốn khổ. Hai bà cháu nghèo dắt nhau đi trong cơn mưa tầm tã, gió quất liên hồi. Cây cối xô nghiêng rơi trúng đầu cháu, máu tuôn, bà thảng thốt lay gọi đứa cháu nhỏ đang ngất lịm rồi dần khản tiếng kêu cứu giữa chiều mưa hoang vắng…Đó là một phân cảnh xúc động trong bộ phim truyền hình Khóc Thầm, cũng là một trong số hàng chục phân cảnh đã khiến người xem rơi nước mắt.
Như trong phim Mây Trắng ngang trời, vào vai người bà nghèo khổ dắt đứa cháu ngoại bé Tím đi ăn xin, nghệ sĩ Hồng Sáp đã để lại những dấu ấn khó quên với những phân cảnh thật xúc động và chân thực như cuộc sống.
Nói về những vai diễn của mình, nghệ sĩ Hồng Sáp cười hiền: “Khi đóng phim đạo diễn thường chọn tôi vào những vai nghèo khổ, lam lũ. Vì hình dáng tôi không cần hóa trang cũng phản ánh đúng chất của nhân vật rồi. Vai diễn và cuộc đời tôi hầu như cũng chỉ là một, cũng chẳng khác nhau là mấy. Có chăng cái kết trong phim luôn có hậu, còn cuộc đời người nghệ sĩ cả đời cống hiến như tôi thì bạc bẽo rơi nước mắt”, Bà tâm sự và nở nụ cười thật tươi trong khi hai hàng nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt già nua ấy.
Tuổi già sống kiếp truân chuyên
Quả đúng như vậy, đằng sau những thước phim đẹp ấy, nghệ sĩ Hồng Sáp còn phải đóng cho tròn vai diễn của cuộc đời mà số phận run rủi đẩy đưa, vai diễn của một kiếp đời hồng nhan trong chặng đường mưu sinh ở tuổi xế chiều, bên nách còn một đứa cháu nhỏ mồ côi cần được chăm sóc, nuôi nấng. Nay gặp lại bà, nếu bà không nói mình là một nghệ sĩ thì người đối diện sẽ khó lòng nhận ra. Bởi từ dáng người cho đến khuôn mặt bà đều hắn lên sự già nua, khắc khổ.
Người nghệ sĩ bỗng ứa nước mắt giàn dụa nói, đời bà đã gặp biết bao chông gai, nhưng tất cả bà đều vượt qua được. Chỉ duy nhất một nỗi đau ám ảnh bà đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Đó là nỗi đau của người mẹ mất con. Khi vợ chồng bà sinh được 7 người con, nhưng đã có tới 4 người từ giã cõi đời này vì bệnh tật từ khi chỉ mới chập chững biết đi.
“Đứa nào cũng rời vòng tay của vợ chồng tôi khi 2 tuổi. Ngày xưa đói lắm, lại đông con nên thiếu ăn là chuyện thường. Mỗi đêm diễn vợ chồng tôi đều phải dắt cả đàn con đi theo chứ bỏ chúng ở nhà không có ai trông nom. Bốn đứa con mất vì bệnh nhưng vợ chồng tôi không có tiền chữa trị nên chúng mới chết khổ sở như vậy. Ôm xác con trong tay, chúng tôi chỉ biết gào khóc tuyệt vọng rồi đem chúng đi hỏa táng. Nỗi đau đó quá lớn, đến mức chồng tôi trước khi nhắm mắt vẫn chưa hết ân hận”, người mẹ nghẹn ngào tâm sự.
Trong số 3 người con còn lại, cậu con trai thứ 2 của nghệ sĩ đã lấy vợ sinh con. Nhưng hai vợ chồng họ vắn số, qua đời bỏ lại đứa con trai mới lên 2 tuổi cho mẹ già nuôi nấng.
Hơn 20 năm trước, gia đình bà lui về nương nhờ tại đình Nhơn Hòa, ngay chợ Cầu Muối, quận 1. Đó là sân khấu của đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long ngày xưa, giờ đoàn giải thể, chỉ còn lại nơi thờ tự. “Nhưng bàn thờ tổ thì vẫn còn trên gác lửng. “Tôi là người lui tới chăm nom đốt nhang. Trên gác còn chứa phục trang cải lương của nghệ sĩ Kim Phượng làm chủ. Cô ấy cho tôi làm người trông nom, mỗi khi có ai mướn, tôi soạn đồ rồi theo chân nghệ sĩ đến khi chuẩn bị diễn thì mặc áo, cài dây, cài mão lại cho họ. Trang phục cải lương rất phức tạp, phải có người rành rẽ và phụ giúp khi mặc vào, cởi ra. Mỗi lần đi như vậy họ trả cho tôi 100 nghìn đồng tiền công. Nhiều người gặp lại tôi, họ thấy thương tình cho thêm vài trăm ngàn lận”, người nghệ sĩ thổ lộ.
Hiện Hồng Sáp cùng con trai và cháu nội sống trong một phòng trọ chật hẹp dưới chân cầu Kênh Tẻ, quận 7. Nhiều năm nay bệnh thấp khớp khiến bà phải ngừng công việc buôn bán. Thu nhập của nghệ sĩ chủ yếu nhờ vào tiền trợ cấp ổn định 1,5 triệu đồng từ UBND TP.HCM. Cũng vì khó khăn việc học của đứa cháu nội nghệ sĩ thường xuyên bị đứt gánh giữa đường.
Cuộc sống khó khăn đã đành, nhưng điều khiến người nghệ sĩ già trăn trở gần cả cuộc đời đó chính là làm sao để người con trai còn lại duy nhất của bà được cầm trên tay giấy tờ chứng minh quyền công dân của mình.
“Trong một lần đi diễn tại Bến tre, chiếc rương sắt đựng giấy tờ của gia đình tôi đã bị lấy cắp. Nên cả gia đình không ai có một mẩu giấy tờ tùy thân suốt mấy chục năm nay. Cậu con trai còn lại của tôi năm nay đã ngoài 50 tuổi đang làm nhạc công nghiệp dư, chơi trống tại các quán bar, nhà hàng. Từng này tuổi, song nó vẫn chưa một lần nhìn thấy tờ giấy khai sinh. Đến nay nó vẫn chưa dám lập gia đình, nhiều người cũng mai mối thúc giục nhưng nó bảo “Mẹ tôi còn không nuôi nổi thì nói gì đến chuyện nuôi thêm vợ con”, Hồng Sáp chia sẻ.
Bao nhiêu năm ở trọ, nghệ sĩ Hồng Sáp chỉ có duy nhất tấm thẻ hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu TP.HCM dùng để đăng ký tạm trú. Mấy chục năm nay đã nhiều lần bà liên lạc với họ hàng ngoài Hà Nội cũng như gia đình chồng ở Bến Tre để làm lại giấy tờ nhưng vẫn chưa được. “Mỗi lần di chuyển như vậy tốn nhiều kinh phí lắm, nên mãi vẫn chưa được tôi đành bấm bụng bỏ liều. Tôi gần đất xa trời rồi thì không có cũng chẳng sao. Nhưng thằng con trai phải đi đây đi đó, mà muốn đi thì phải có giấy tờ”, bà cho hay.
Hỏi đến nỗi niềm của một nghệ sĩ khi ở cái tuổi gần đất xa trời, Hồng Sáp bảo: “Nỗi niềm thì nhiều lắm, nên tôi có bao giờ dám nghĩ tới nó đâu. Hiện tại tôi chỉ mong có sức khỏe để chăm sóc đứa cháu mồ côi và nhìn thấy con trai yên bề gia thất. Ngày ngày cầu cho có nhiều đoàn hát tới thuê đồ giúp tôi kiếm thêm dăm ba đồng sống qua ngày đoạn tháng. Rồi nếu ai còn nhớ tới tiếng hát của bà già như này thì tới thuê đi hát, chứ lâu rồi không được trổ tài, cái nghề trong người cũng ngứa lắm”.
Hoàng Dung – Lê Nguyễn
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.130175 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98784 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95578 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94020
Để lại một bình luận