Học sinh dễ tiếp thu kiến thức khi cô giáo dùng cải lương dạy Truyện Kiều

Học sinh dễ tiếp thu kiến thức khi cô giáo dùng cải lương dạy Truyện Kiều

Chưa phân loại
04/06/2020
664 Lượt xem

Không chỉ áp dụng cải lương, trong quá trình giảng dạy, cô Sơn Ca còn mạnh dạn áp dụng các phương pháp truyền đạt mới khác để học sinh học tốt hơn.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền clip cô giáo dùng cải lương để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Nhiều ý kiến đã khen ngợi phương pháp sáng tạo của người giáo viên trẻ. Cô giáo đó là Huỳnh Sơn Ca, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THPT Võ Thị Hồng (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Không chỉ áp dụng cải lương, trong quá trình giảng dạy, cô Sơn Ca còn mạnh dạn áp dụng các phương pháp truyền đạt mới khác để học sinh học tốt hơn.

hoc sinh de tiep thu kien thuc khi co giao dung cai luong day truyen kieu hinh 1

Cô Huỳnh Sơn Ca dùng cải lương để truyền dạy kiến thức cho học sinh.

Đây là bài hát cổ “Hoạn Thư bắt Thúy Kiều” của tác giả Trần Ngọc Thạch mà cô thường hay hát để dạy các em học sinh trong lớp. Bài hát này đã lan truyền trên mạng xã hội mới đây khi cô hát để truyền đạt kiến thức mở rộng về Truyện Kiều cho học sinh. Đây là lần đầu cô giáo sinh năm 1989 thử nghiệm dùng cải lương trong tiết học nhưng thành công thật bất ngờ. Khi cô vừa cất tiếng hát đã thấy một số học sinh lật tập nháp ra ghi lại nội dung.

Cũng từ đó mà khi câu hỏi “Hoạn Thư đã ghen với Thúy Kiều như thế nào?” được đặt ra, nhiều em hăng hái giơ tay trả lời. Không gian lớp học im thim thíp khi cô cất giọng hát và những lời trao đổi rôm rả về nội dung bài học sau đó đã vượt quá mong đợi của cô. Cô giáo trẻ càng bất ngờ hơn khi học sinh các lớp khác cũng muốn cô dùng phương pháp đã thử nghiệm dạy cho mình.

hoc sinh de tiep thu kien thuc khi co giao dung cai luong day truyen kieu hinh 2

Cô Sơn Ca còn có nhiều sáng tạo khác để dạy học hiệu quả.

Em Lâm Huệ Như, học sinh được cô Sơn Ca giảng dạy chia sẻ: “Cô hát cho chúng em nghe bài hát liên quan đến chủ đề học. Qua bài hát về câu chuyện Hoạn Thư đánh ghen Thúy Kiều chúng em cảm thấy hiểu sâu hơn về các nhân vật trong truyện. Lúc đó, lớp cảm thấy vui, hứng thú và tập trung hơn. Chúng em cảm thấy không chán mà thấy câu chuyện hấp dẫn”

Sau khi Clip lan truyền trên mạng xã hội, đã được nhiều lượt bình luận, chia sẻ cổ vũ cho sự sáng tạo của cô giáo ở “Vùng đất cuối trời”. Cô Sơn Ca cho biết, cha cô là nhạc công đàn tranh nên từ nhỏ cô đã được tiếp xúc với ca cổ, cải lương. Cô giáo có năng khiếu hát đã từng đạt giải nhất cuộc thi “Tiếng hát Đại học Cần Thơ”; giải B và C về đờn ca tài tử liên tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng. Sơn Ca rất thích ca cổ nên thuộc nhiều bài và cô nghĩ ngay đến việc phát huy thế mạnh của mình để giúp các em học tốt hơn. Ban đầu cô giáo trẻ thử nghiệm bằng những câu ca dao, tục ngữ gần gũi; thay vì đọc một cách bình thường thì cô giáo có 7 năm kinh nghiệm giảng dạy ngân nga theo điệu nhạc.

hoc sinh de tiep thu kien thuc khi co giao dung cai luong day truyen kieu hinh 3

Cô giáo trẻ có nhiều sáng kiến hay được các em học sinh mến mộ.

“Thật ra, khoảng 3 – 4 năm sau khi về trường dạy, tôi đã thử áp dụng rồi. Khi dạy về ca dao, dân ca, ví dụ: “Ai đem con sáo sang sông, để cho con sáo sổ lồng bay xa” là ca dao; khi mà cô hát: “Ai… đem con sáo sang sông…” đó là dân ca. Trong quá trình giảng có hát nhỏ nhỏ vậy nhưng hát 1 bài cải lương dài như vậy thì mới là lần đầu”, cô Sơn Ca chia sẻ.

Phương pháp dùng cải lương giảng dạy của cô Sơn Ca làm đã tạo sự thích thú cho học sinh. Trong những tiết học của cô, có những học sinh tự tìm tòi trước những bài hát liên quan đến bài học, khi lên lớp xin cô được thể hiện cho các bạn nghe. Trong những tiết học của cô, nhiều lúc học sinh rất bất ngờ khi cô giao bài tập: “các em hãy dùng phương pháp vẽ tranh để mô tả lại nội dung bài học”. Đến lớp, học sinh lên bảng vẽ lại bằng những nét phấn nguệch ngoạc và thuyết trình về nội dung bài. Những tiếng cười vui kèm những lời nhận xét đáng yêu của bạn bè cũng chính là lúc kiến thức “đi vào đầu và đọng lại trong các em”.

Thầy Phan Văn Lil, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Hồng cho biết, trong thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo, nhà trường luôn khuyến khích các thầy cô có những cách truyền dạy sáng tạo để học sinh lĩnh hội mà không bị áp lực. Mỗi giáo viên áp dụng phương pháp khác nhau, nhưng dùng cải lương trong bài giảng thì cô Sơn Ca là người đầu tiên thực hiện và mang lại kết quả tốt.

“Trong quá trình dạy học, mỗi giáo viên trong trường đang tìm tòi, thử nghiệm những phương pháp mới, phù hợp để truyền thụ kiến thức cho học sinh. Cô Huỳnh Sơn Ca là một trong những giáo viên có cách làm sáng tạo trong quá trình dạy môn Ngữ văn. Bằng cách kết hợp cải lương vào môn học đã giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn. Cô Sơn Ca rất tâm huyết để tìm phương pháp hiệu quả, truyền thụ kiến thức cho học sinh”, thấy Lil cho hay.

Theo Sở Giáo dục – Đào tạo Cà Mau, phương pháp dùng cải lương để truyền tải kiến thức của cô Sơn Ca là sáng tạo, phù hợp với chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay. Thực tế, cách làm của cô giáo Huỳnh Sơn Ca đã được học sinh hưởng ứng, mang lại hiệu quả tích cực và cô cho biết, sẽ cố gắng hơn nữa để đạt kết quả dạy và học tốt hơn trong thời gian tới./.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL


Đánh giá bài viết

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *