Ngọc Huyền tái hiện loạt nhân vật của nghệ sĩ Thanh Nga
(CLV) – Nghệ sĩ Ngọc Huyền sẽ diễn trích đoạn “Mạnh Lệ Quân”, “Tiếng trống Mê Linh”… tưởng nhớ 44 năm “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga qua đời.
Chương trình Giang sơn mỹ nhân do “bầu” Gia Bảo thực hiện, diễn tại nhà hát Bến Thành (quận 1, TP HCM) tối 26/11 – ngày giỗ của nghệ sĩ Thanh Nga. Đêm diễn dành phần lớn thời lượng để tưởng niệm nghệ sĩ qua các trích đoạn kinh điển, từng làm nên tên tuổi bà như Tiếng trống Mê Linh (soạn giả Việt Dung – Vĩnh Điền), Dương Quý Phi (Thế Châu), Mạnh Lệ Quân (Ngọc Văn – Bạch Mai). Nghệ sĩ Ngọc Huyền đảm nhận vai trò chủ chốt của liveshow khi hóa thân thành những nhân vật Thanh Nga ghi dấu.
Ngọc Huyền cho biết chịu ảnh hưởng lớn từ Thanh Nga. Thuở mới 5-6 tuổi, chị ấn tượng với nghệ sĩ qua tuồng Bóng tối và ánh sáng (Ngọc Linh – Hoa Phượng). Trong ký ức của Ngọc Huyền, Thanh Nga khi đó đầy cuốn hút với đôi mắt mơ màng, mái tóc bumbê. Lớn thêm vài tuổi, xem vở Tiếng trống Mê Linh, chị cột tóc, cầm gươm giả tạo dáng, bắt chước Thanh Nga diễn vai Trưng Trắc. “Nhiều vở của cô tôi thuộc từng lời thoại. Không có cô, tôi sẽ không bao giờ dấn thân vào cải lương”, Ngọc Huyền nói.
Ban đầu, khi Gia Bảo mời tham gia show, Ngọc Huyền chỉ nhận đóng trích đoạn Mạnh Lệ Quân. Biết đạo diễn tổ chức chương trình để tưởng nhớ Thanh Nga, chị đồng ý diễn thêm, đề xuất hai trích đoạn khác là Dương Quý Phi và Tiếng Trống Mê Linh. Với Mạnh Lệ Quân, Ngọc Huyền sẽ lần đầu diễn cùng nghệ sĩ Hoài Linh – vai nhà vua. Bản dựng do cố soạn giả Bạch Mai từng viết riêng cho Ngọc Huyền trước khi qua đời năm 2021.
Trích đoạn “Mạnh Lệ Quân” – Ngọc Huyền, Kim Tử Long diễn năm 2019. Video: Kim Tử Long Official
Gia Bảo – cháu nội nghệ sĩ Bảo Quốc (em cùng mẹ khác cha của Thanh Nga) – cho biết trước đây, gia đình chưa từng tổ chức đêm diễn tưởng nhớ bà, chủ yếu chỉ làm giỗ ở nhà. Anh muốn cùng khán giả ôn lại thời hoàng kim của huyền thoại sân khấu. Nghệ sĩ không dựng lại trích đoạn y hệt tuồng xưa, mà sẽ làm mới với nhiều tình tiết. Chương trình còn có sự tham gia của Kim Tử Long, Trọng Phúc, Vũ Luân, Linh Tâm, Trường Sơn…
Thanh Nga sinh năm 1942, có mẹ là bà bầu Thơ – người sáng lập đoàn Thanh Minh Thanh Nga huyền thoại. Vào nghề từ thập niên 1950, năm 16 tuổi, Thanh Nga ghi dấu ấn đầu tiên với vai sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới (soạn giả Kiên Giang). Vai diễn đưa bà lên hàng ngôi sao triển vọng thời bấy giờ, đồng thời là người đầu tiên đoạt giải Thanh Tâm – giải thưởng cao quý – vào năm 1958. Tám năm sau, Thanh Nga nhận giải thưởng Thanh Tâm thứ hai trong sự nghiệp với vở Sân khấu về khuya (soạn giả Năm Châu).
Ngoài ca cổ, Thanh Nga còn thành công với lĩnh vực phim ảnh như Loan mắt nhung, Xa lộ không đèn, Sau giờ giới nghiêm, Lan và Điệp… Năm 1978, bà và chồng – Phạm Duy Lân – bị hai kẻ lạ mặt truy sát trước nhà. Đỡ phát đạn thay con, Thanh Nga qua đời ở tuổi 38, khi còn ở đỉnh cao sự nghiệp.
Trích đoạn Thanh Nga và Thanh Sang diễn trong “Bên cầu dệt lụa”. Video: YouTube Dũng Nguyễn
Ngọc Huyền sinh năm 1970 tại Sài Gòn, đi hát từ năm 14 tuổi. Năm 2001, chị được trao danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 2002, sau thời gian qua Mỹ biểu diễn, Ngọc Huyền ở lại định cư. Năm 2016, chị về nước làm giám khảo cuộc thi Đường đến danh ca vọng cổ. Cuối năm 2017, chị tổ chức đêm diễn Xử án Phi Giao, tái ngộ khán giả Sài Gòn sau 15 năm.
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.126617 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98752 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95541 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.93973
Trả lời