NSƯT Thanh Thanh Tâm khóc vì nhớ chiếc nôi “xung kích thanh niên Trần Hữu Trang”

NSƯT Thanh Thanh Tâm khóc vì nhớ chiếc nôi “xung kích thanh niên Trần Hữu Trang”

15/07/2023
1525 Lượt xem

(CLV) – NSƯT Thanh Thanh Tâm tự hào khi là một trong những nghệ sĩ cải lương được đào luyện và trưởng thành trong giai đoạn 10 năm sau ngày đất nước thống nhất (từ năm 1975 đến năm 1985).

“Được tham gia viết tham luận cho tọa đàm “Sân khấu Cải lương TP HCM, giai đoạn 1975-2025″ là niềm vinh dự của người nghệ sĩ đã trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất” – NSƯT Thanh Thanh Tâm nói.

NSƯT Thanh Thanh Tâm khóc vì nhớ chiếc nôi xung kích thanh niên Trần Hữu Trang - Ảnh 1.

NSƯT Thanh Thanh Tâm trong buổi ghi hình thực hiện các clip về bài học diễn xuất trên sân khấu cải lương

NSƯT Thanh Thanh Tâm nhận lời của Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM phát biểu về một quá trình rèn luyện nghề. Bài tham luận của bà đã nhận được sự tán đồng của nhiều tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ đồng nghiệp trong buổi tọa đàm do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức sáng 15-7 tại Hội Sân khấu TP HCM.

NSƯT Thanh Thanh Tâm là con nhà nòi, bà là con của đôi nghệ sĩ tài danh thuộc thế hệ vàng sân khấu cải lương “Nam Hùng – Thanh Thanh Hoa” , bà được dìu dắt vào nghề từ nhỏ. Được sự dạy dỗ của NSND Phùng Há (người nhận cha bà làm con nuôi), bà đã được NSND Phùng Há trao truyền nghề nghiệp và đạo đức làm nghệ thuật để xứng đáng là người nghệ sĩ cải lương.

NSƯT Thanh Thanh Tâm khóc vì nhớ chiếc nôi xung kích thanh niên Trần Hữu Trang - Ảnh 2.

NSƯT Thanh Thanh Tâm trong vai Thái hậu Dương Vân Nga

“Thuận lợi của tôi là vì lúc đó Nhà hát Trần Hữu trang đã mở lớp dạy nghề, do NSND Phùng Há đứng lớp, cùng với nhiều thầy cô giỏi nghề như: cô hai Kim Cúc, thầy Hoàng Ba, thầy Tấn Đạt, cô đạo diễn Ngô Thị Hồng, cô Thúy Hoan … Chúng tôi là thế hệ con em của các nghệ sĩ đang hành nghề trên sân khấu, là lứa học trò khóa học đầu tiên” – NSƯT Thanh Thanh Tâm nhớ lại.

Bà đã nhắc lại những đồng nghiệp đã sát cánh cùng với mình giai đoạn đó như: Linh Châu (con của nghệ sĩ Thanh Nhã và là cháu nội của nghệ sĩ Thanh Tao), Vân Hà (con gái của soạn giả Vân An), Thái Ngân, Thái Châu, (con gái của nghệ sĩ Huỳnh Thái), Linh Trung, Thiên Hồng (cháu ngoại của nghệ sĩ Ba Du), Trung Đức (với nghệ danh Chí Linh sau này, là em của hai nghệ sĩ Tài Lương và Tài Linh), Hoàng Thân, Bảo Kiến…

NSƯT Thanh Thanh Tâm khóc vì nhớ chiếc nôi xung kích thanh niên Trần Hữu Trang - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Bạch Nga (Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long) và NSƯT Thanh Thanh Tâm

“Năm 1981, chúng tôi tốt nghiệp và được đưa về Đoàn cải lương Thanh Niên xung kích do Nhà hát Trần Hữu Trang thành lập” – NSƯT Thanh Thanh Tâm cho biết.

Trên sân khấu xung kích thanh niên, bà và các đồng nghiệp đã được các thầy cô, các nghệ sĩ thuộc thế hệ tiền bối đặt trọn niềm tin yêu, trao truyền rất nhiều kinh nghiệm, để diễn các vở cải lương thực tập, sau đó được cải tiến rồi đưa lên sân khấu phục vụ công chúng, đồng thời tổ chức các chuyến lưu diễn, phục vụ bộ đội, chiến sĩ bảo vệ biên giới.

Đó là các vở: “Trần Quốc Toản ra quân”, “Đời Cô Lựu”, “Mùa xuân cho em”, “Tô Ánh Nguyệt”… Ban đầu là những suất diễn ở các vùng kinh tế mới như: Lê Minh Xuân, Kinh An Hạ, Phú Lâm B…, sau đó diễn ở các công trường nơi mà nhân dân thành phố đang tích cực tham gia ” công tác thủy lợi”, đào kênh và tham gia xây dựng các khu giải trí như: Hồ Kỳ Hòa, Đầm Sen, Suối Tiên. . .

NSƯT Thanh Thanh Tâm khóc vì nhớ chiếc nôi xung kích thanh niên Trần Hữu Trang - Ảnh 4.

NSƯT Thanh Thanh Tâm

NSƯT Thanh Thanh Tâm bồi hồi nhớ lại những ký ức về cải lương thật sâu sắc, khó quên. Trong đó phải kể đến công lao của các thầy cô, các nghệ sĩ đi trước tạo ra khuynh hướng sáng tác, dàn dựng mang tính thể nghiệm cao. Bà nhớ NSND Phùng Há khi đó có nói: “Chất trẻ của khóa diễn viên này cần khai phá cách làm cái mới, thay thế nếp cũ của cải lương, cách tân làm những tuồng cải lương thể nghiệm”.

NSƯT Thanh Thanh Tâm khóc vì nhớ chiếc nôi xung kích thanh niên Trần Hữu Trang - Ảnh 5.

NSƯT Thanh Thanh Tâm ở Đà Lạt (tháng 6-2023)

Từ kim chỉ nam đó Đoàn cải lương Thanh Niên xung kích của Nhà hát Trần Hữu Trang đã dàn dựng 2 tác phẩm thể nghiệm là “Dệt gấm” và “Mùa xuân cho em”, do NSƯT Bạch Lan đạo diễn. NSƯT Thanh Thanh Tâm may mắn được đóng cả hai vai chính: Kim Thông và Mai Ly.

“Cô Bạch Lan đã dạy, nếu xóa đi ranh giới giữa thể nghiệm trong cuộc sống và nghệ thuật sẽ dẫn tới tình trạng trình bày tác phẩm theo xu hướng chủ nghĩa tự nhiên. Ngược lại, quá áp đặt, gượng ép, ỷ lại khuôn mẫu sẽ dễ sa đà vào chủ nghĩa hình thức” – NSƯT Thanh Thanh Tâm bày tỏ.

Giai đoạn cải lương vang bóng một thời với nhiều tác phẩm được dàn dựng và tạo nên tên tuổi nhiều thế hệ nghệ sĩ cũng như diện mạo riêng của Nhà hát Trần Hữu Trang, như: “Chim Việt cành Nam”, “Kiều Nguyệt Nga”, “Dương Vân Nga”, “Tình yêu và lời đáp”, “Rạng ngọc Côn Sơn”, “Nàng Xê Đa”, “Tô Ánh Nguyệt”, “Đời cô Lựu”, “Chiếc áo Thiên Nga”, “Bàn thờ Tổ một cô đào”…

Đó là những tác phẩm một thời làm say đắm người xem. Cải lương đã gieo những hạt giống tâm hồn tuyệt đẹp, truyền đến công chúng những bài học giáo dục giá trị.

NSƯT Thanh Thanh Tâm viết: “Mong sao tôi còn đủ sức để tiếp tục làm nghề, dìu dắt và trao truyền kinh nghiệm mình học, thực hành từ các thầy cô đi trước. 10 năm của giai đoạn 1975 -1985 đã là một dấu son nổi bật cho thế hệ trẻ chúng tôi tiếp cận với cách làm nghề tử tế, tinh thần lao động nghệ thuật hết mình vì sự nghiệp chung của sân khấu nước nhà”.


Thanh Thanh Tâm số hóa kinh nghiệm diễn xuất

(CLV) – Luôn dành tâm huyết trao truyền cho lớp diễn viên trẻ những kỹ năng trong nghệ thuật diễn xuất, NSƯT Thanh Thanh Tâm chuẩn bị thực hiện...

NSƯT Thanh Thanh Tâm xúc động thăm tác giả Lê Duy Hạnh

(CLV) – Lần nào về thăm quê nhà, NSƯT Thanh Thanh Tâm cũng dành thời gian đến thăm ông. Nhận từ ông lời khuyên chân thành trong cuộc sống,...

Đánh giá bài viết
Nguồn bài viết: Người lao Động

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *