NSƯT Thoại Mỹ: ‘Phải chết trên sân khấu tôi cũng thấy vui’

NSƯT Thoại Mỹ: ‘Phải chết trên sân khấu tôi cũng thấy vui’

Chưa phân loại
08/05/2017
699 Lượt xem

Đằng sau ánh đèn sân khấu là một Thoại Mỹ vẫn một mình lặng lẽ đi về giữa cuộc đời. Chính chị thừa nhận số kiếp của mình là hi sinh cho gia đình, con người sống nay chết mai nên không cần bon chen tiền tài hay danh vọng.

Thoại Mỹ trong hình tượng Thái hậu Dương Vân Nga - một trong những vai diễn để đời của chị

Thoại Mỹ trong hình tượng Thái hậu Dương Vân Nga – một trong những vai diễn để đời của chị

Tôi không bao giờ ganh đua với Ngọc Huyền

* Lần đầu tiên ngồi vị trí huấn luyện viên một gameshow truyền hình về cải lương, cảm xúc cùa chị thế nào?

– Cũng thấy hay hay vui vui vì nó đúng chuyên môn của mình rồi. Trước đây cũng có mấy gameshow mời mà tôi không có thời gian, mình cũng đi suốt, một phần là chưa cảm thấy “đã” lắm. Chương trình Đường đến danh ca vọng cổ nếu nói về tâm linh thì đúng là chữ duyên. Chương trình mời là tôi đang ở Mỹ, định là tới Tết mới về, show cũng nhận luôn hết rồi. Nhưng khi nhận được lời mời từ ban tổ chức, tôi cũng lấn cấn, show nhận rồi làm sao đây? Suy nghĩ lại thì đây là chương trình về vọng cổ đúng chuyên môn luôn, cũng là dịp để cải lương tỏa sáng. Mấy nay người ta coi cải lương chết rồi, tôi nói với mình là phải về, không thể bỏ cơ hội này. Trước giờ cải lương đâu có ai làm game đâu, thấy format hay nữa nên tôi quyết định điều đình hết tất cả các show.

Ngồi ghế nóng cũng vinh dự nhưng rất áp lực. Chương trình này không phải dành cho người làm nghề, mà cho bất cứ người nào yêu thích cải lương, thích giọng cổ đều đến được. Có những bác tài xế, anh chị bán bún riêu, làm ruộng, chăn dê, giữ miễu… cũng tham gia và mình phải chọn hay không chọn trước những niềm đam mê ấy khiến không chỉ Mỹ mà các huấn luyện viên còn lại đều canh cánh.

* Được biết ban đầu chương trình từng dự định phát sóng trên HTV nhưng vì lý do nào đó mà chuyển phát sóng trên một kênh truyền hình cáp, chị có tâm tư điều gì không?

– Buồn thì có buồn chút xíu vì chiếu trên kênh HTV sẽ được nhiều người xem hơn, dễ đến với vùng sâu vùng xa nhiều hơn. Giờ chương trình của mình bị hạn chế, phải có cáp để coi được mình có hơi buồn. Thật ra thì khán giả cũng không bỏ, người ta vẫn vào YouTube xem hoặc xem livestream trên Fanpage, và đã cổ vũ chương trình rất nhiều. Nghe nói lượt người xem cao lắm, có mấy ngày đã được triệu view, chứng tỏ chương trình nhận được nhiều sự quan tâm.

Thoại Mỹ lấy chồng vào năm 21 tuổi, với một đám cưới được cho hoành tráng bậc nhất giới nghệ sĩ chỉ sau của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng. Đến năm 28 tuổi chị gặp đổ vỡ và tập trung vào sự nghiệp cho đến nay

Thoại Mỹ lấy chồng vào năm 21 tuổi, với một đám cưới được cho hoành tráng bậc nhất giới nghệ sĩ chỉ sau của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng. Đến năm 28 tuổi chị gặp đổ vỡ và tập trung vào sự nghiệp cho đến nay

* Lâu lắm mới có dịp cộng tác với nghệ sĩ Ngọc Huyền trên quê hương, cảm xúc của chị thế nào?

– Tôi với Huyền cũng hay đi show khi ra nước ngoài. Cùng với anh Long chúng tôi thường kết hợp diễn chung ở các nước châu  và Mỹ. Cộng tác ở Việt Nam cũng không khác nhiều lắm, vì chúng tôi là những người biết nhau từ tấm bé, cùng học chữ A chữ B với thầy Út Trong, rồi ra trường làm chung tới bây giờ. Nhiều năm gắn bó chúng tôi hiểu nhau nhiều, khi nghe ngồi ghế nóng chung thì thấy khấn khởi, bởi hiểu và hợp nhau nên dễ tung hứng.

* Chị có phải cạnh tranh với nghệ sĩ Ngọc Huyền không?

– À bạn bè thì bạn bè nhưng khi vô cuộc thi hay cuộc chơi mỗi người đều có chiến lược riêng. Vào đây rồi thì mình phải dùng chất xám, lý trí để đào tạo thí sinh được tỏa sáng, thật hay trên sân khấu. Nhưng làm gì thì đều trên tinh thần không có cái gì chia cắt được tình bạn này. Tôi không bao giờ ganh đua với Ngọc Huyền, chúng tôi đều biết tất cả mình làm vì nghề, không vì giải thưởng gì mà chúng tôi chơi nhau, phá nhau hay mích lòng nhau. Điều này tuyệt đối chúng tôi không thể có.

Thoại Mỹ nói về "tình cũ" - nghệ sĩ Kim Tử Long: "Chúng tôi như anh em trong nhà"

Thoại Mỹ nói về “tình cũ” – nghệ sĩ Kim Tử Long: “Chúng tôi như anh em trong nhà”

* Chị thấy lớp trẻ ngày nay có khác gì ngày xưa không?

– Khi chưa có cuộc thi này tôi biết nhiều bạn trẻ thích cải lương rồi nhưng tôi không ngờ các bạn còn tự học và hát hay vậy. Đi vào cuộc chơi thì cả tôi, anh Kim Tử Long và Ngọc Huyền ngỡ ngàng luôn, nghe có giọng ca hay hỏi ra thì chưa đi học trường lớp, chỉ nghe và ca theo. Rõ ràng các bạn phải có niềm đam mê rất lớn bên trong. Đội của tôi có người là đầu bếp, có người giữ miễu chùa, có cả bác sĩ, họ thường xả stress bằng câu ca tiếng hát, dần dần hát hay lúc nào không biết.

Có chết tại sân khấu trả ơn Tổ nghiệp tôi cũng không tiếc nuối

* Chị có bao giờ lo cải lương của mình có lúc sẽ không còn đất sống?

– Không. Ngày xưa tôi cũng có lo, có lẽ do xã hội hiện đại quá, nhiều cái này cái nọ cho họ xem, rồi sân khấu lại không còn cho cải lương hoạt động. Nhưng bây giờ tôi không nghĩ vậy nữa.

Tôi qua bên Mỹ hát ở casino, nơi đó có nhiều ca sĩ hát nhạc trẻ. Mình đôi khi chỉ hát một bài tân cổ giao duyên nhưng khán giả vỗ tay rần rần, chưa cần đến chỗ cao trào, chỉ cần chỗ mình nhấn nhá hay họ cũng đã vỗ tay khen ngợi. Cải lương đã được cổ vũ rất nồng nhiệt đấy. Tôi đi nhiều mới thấy cải lương đâu có chết đâu, họ rất là thương cải lương. Mặc dù ít hoạt động, nhiều bài có trên YouTube người ta vẫn đến coi mình. Khi hát ở chùa thường là chương trình tổng hợp, nhạc có, rồi hài, rồi cải lương. Có mấy bác tới ngồi trong xe chờ, đến tiết mục cải lương mới đi vô. Mình thấy vậy mình rất hãnh diện, như là tiết mục đinh trong chương trình. Mình cảm thấy cải lương không chết. Không chỉ người già, những người trẻ người ta thuộc những bài xưa, từ tên tựa đến lời hát. Người làm nghề thấy vậy rất vui. Tôi rất xúc động khi khán giả còn quan tâm đến cải lương và nghệ sĩ làm nghề. Tôi nghĩ nghệ sĩ thấy vậy phải tâm huyết với nghề, và không nghệ sĩ nào cho phép mình đùa giỡn, hời hợt với cái nghề của mình.

Thoại Mỹ chia sẻ với một thí sinh chương trình Đường đến danh ca vọng cổ

Thoại Mỹ chia sẻ với một thí sinh chương trình Đường đến danh ca vọng cổ

* Nguồn sống của nghệ sĩ cải lương tại Mỹ có không bằng ca sĩ không, thưa chị?

– Ở Mỹ nghệ sĩ ở rải rác từng tiểu bang, muốn tập hợp là phải bay qua bay lại, đi 5-6 tiếng mới đến chỗ hợp tác chứ không phải như ở Việt Nam cần là gặp được liền. Hát nhạc thì dễ, ở nhà dợt bài rồi vô ráp ban nhạc, còn cải lương cần sự tương tác với bạn diễn, dàn nhạc phải có dàn cổ dàn tân. Còn thiết kế sân khấu nữa, phải có bàn ghế, đạo cụ chúng tôi mới diễn được. Tổ chức một đêm cải lương khó chứ không dễ, nhưng được cái là khán giả dành cho cải lương nhiều tình cảm, họ luôn đến rất đông, ủng hộ rất nhiệt thành.

Về thu nhập thì mỗi người có hoàn cảnh sống khác nhau. Nhiều khi đồng lương của người ta vậy mà người ta thấy đủ. Mà đủ thì bao nhiêu cho đủ? Con người mình tham lắm, có cái này là nghĩ cái kia. Quan trọng là biết mình ở đâu, biết khéo sắp xếp thì sống được.

* Mấy chục năm trời làm nghề, có giây phút nào chị thấy… chán?

– Chưa bao giờ tôi giảm đam mê, nản chí hay chán. Khi tôi bị tai nạn nghề nghiệp (té trên sân khấu trong vở Xử án Bàng Quý Phi năm 2003 – PV), vừa đỡ là lao vào tập luyện, quên hết mọi đau đớn vừa trải qua. Nhiều khi mình diễn hăng đến nỗi chấp nhận sau khi diễn xong lên bàn mổ tiếp cũng được. Phải chết trên sân khấu tôi cũng thấy vui.

Tôi biết nhiều anh chị em nghệ sĩ lửa nghề luôn trào dâng từ đâu không biết, hễ lên sân khấu là không kềm được, diễn như đêm cuối cùng. Tổ nghiệp cho mình cái nghề này, nuôi sống mình và gia đình mình thì có chết tại sân khấu trả ơn Tổ nghiệp tôi cũng không tiếc nuối. Nhiều người hỏi hết thời tôi có định chuyển nghề, tôi nói là không, làm thêm thì làm chứ nghề này tôi không bỏ được.

* Chị đam mê nghề như vậy đó có phải là nguyên nhân chị không để tâm nhiều đến việc mình vẫn lẻ bóng?

– Bất cứ nghệ sĩ nào cũng vậy, yêu nghề thì yêu nghề chứ họ cũng có cuộc sống riêng của mình, chứ không phải nghề mình là tất cả. Nhưng mà duyên phận mỗi người mỗi khác nhau. Ai cũng muốn có bờ vai vững chắc đề mình nương tựa nhưng mọi người đều có duyên phận, có nghiệp duyên khác nhau. Mình muốn đâu có được mà không muốn cũng đâu có được.

Với Ngọc Huyền, Thoại Mỹ cho biết dù ngồi ghế nóng cạnh tranh nhưng không có gì chia cắt được tình bạn này

Với Ngọc Huyền, Thoại Mỹ cho biết dù ngồi ghế nóng cạnh tranh nhưng không có gì chia cắt được tình bạn này

Các bạn trẻ 13-14 tuổi bây giờ nhiều kinh nghiệm yêu hơn tôi

* Nhiều khán giả cho rằng ngày xưa chị từng có chuyện tình dang dở với nghệ sĩ Kim Tử Long, nay hợp tác chung có lo “lửa gần rơm, tình cũ không rủ cũng tới”?

– Cuộc tình này thời đó là tình yêu học sinh, mới mười mấy tuổi thôi. Cái đó đủ sức yêu dữ dội chưa? Chúng tôi có cơ hội hằng ngày sinh hoạt với nhau, ở bán trú, hát chung với nhau nên nảy sinh ra tình yêu. Nói chung cũng có nhiều kỷ niệm, nhiều cái dễ thương. Nhưng mười mấy tuổi thời của tôi và anh Long, trời ơi, không biết cái gì đâu, thật là non nớt, hồn nhiên. Các bạn trẻ 13-14 tuổi bây giờ nhiều kinh nghiệm yêu hơn tôi. Đã ra trường rồi đó, đủ 18 tuổi nhưng tìm cảm trong trắng, ngây thơ.

Từ tình yêu giờ làm bạn thân thì chúng tôi xem như tình bạn này… thân hơn một chút. Chúng tôi xem nhau như người thân. Mình không duyên với nhau thì có nợ với nhau, làm anh em cũng được. Đám cưới tôi hồi đó anh Long cũng đi bưng quả, phụ góp tay lo cho tôi. Rồi đám cưới ảnh tôi cũng lo lại. Tôi nghĩ vì chúng tôi yêu nhau trong sáng, nhẹ nhàng nên khi tan vỡ không có gì hận thù nhau.

* Trên ghế giám khảo chị thường dành sự tình cảm cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Phải chăng chị tìm thấy mình của ngày xưa?

– Đúng. Tôi còn nhớ giai đoạn đó tôi khổ, khổ lắm luôn. Mẹ mất sớm, ba thì nuôi mười mấy đứa con. Thời gian đi học tôi đi bộ không, chưa bao giờ biết cái xe là gì. Sáng đi bộ đi học, trưa đi bộ về ăn miếng cơm. Chiều vô trường rồi tối đi học bổ túc tiếp. Cứ cuốc bộ mãi thôi. Thậm chí mình ra trường đi hát cũng không có xe vì nhà nghèo lắm. Hôm nào ba rảnh thì ba chở cho đi, không thì nhờ khán giả chở về, đồng nghiệp chở về. Có những hôm đi chung xe với ca đoàn, thả mình ở đó cũng thui thủi đi bộ về.

Ngày xưa rạp diễn thường là 7 giờ rưỡi, 8 giờ tối mở màn thì từ 3 giờ trưa mình đã cuốc bộ xách cơm đi vì mình đi bộ mà. Đi hát vòng vòng ở rạp, tuần này rạp này, tuần kia rạp khác, cứ thế lội bộ đi thôi. Đi học ở trường nói chung hoàn cảnh cũng khổ.

Ngoài những giờ đi hát, ngày nghỉ ở trường thì mình làm bất cứ việc gì để giúp gia đình. Thời đó là thời bao cấp, mỗi tháng học sinh được mười mấy ký gạo. Tôi tính kỹ lắm, nếu mình ở nội trú ăn trong trường thì không có cơm gạo mang về. Nếu mình đi về nhà thì gia đình sẽ được số gạo đó, cộng với nửa cân thịt một tháng không bị cắt đi. Thôi mình chấp nhận đi bộ về để nhà có gạo ăn chung. Nửa ký thịt hồi đó quý giá vô cùng, khổ dễ sợ chứ không đơn giản.

Rồi tôi xin ngồi nướng bắp dạo, bưng hủ tiếu, không mong có tiền mà chỉ mong có tô hủ tiếu để ăn. Tuổi thơ bất hạnh đã dạy tôi phải vươn lên bằng sức lao động.

Khi đi hát rồi nỗi khổ vẫn còn đeo đẳng. Kiếm tiền được thì gia đình mình còn khổ. May mắn cho tôi có mẹ nuôi làm ở Nhà hát Trần Hữu Trang, để tối đoàn có chở về thì nghỉ tạm ở đó chứ không lội bộ về xa xôi. Mẹ cũng cưu mang mình, cho bữa cơm để mình có lương mang về lo cho nhà. Có lẽ mình từng khổ vậy nên giờ nhìn ai khổ mình xúc động lắm.

* Khi cuộc sống dư dả chị có bù đắp cho khoảng thời gian trước không?

– Cho đến bây giờ với tôi gia đình vẫn là trên hết. Tôi chẳng hưởng thụ gì cho mình. Dĩ nhiên mình phải mua quần áo để diễn, chăm sóc da, gội cái đầu cho thư giãn thoải mái để rạng rỡ gặp khán giả, mình làm cho nghề mình. Chứ tôi nói chung nặng gánh gia đình, hi sinh cho nhà hết.

Hiện tại tôi không có gia đình riêng, với tôi nghĩ mình sống nay chết mai có mang được gì đi theo nên có gì mình cứ chia sẻ, chịu thiệt thòi một chút cũng được, không sao hết. Ngoài hi sinh cho gia đình, tôi thấm thía nỗi truân chuyên hồi nhỏ nên thương cho những hoàn cảnh giống mình ngày xưa. Nhớ mãi hồi đó người ta ăn dư một miếng, bảo mình: “Mỹ ơi, bưng cái này về ăn đi” là mình mừng muốn chết rồi, thì bây giờ mình nghĩ người ta cũng vậy. Người ta khó thì mình phải giúp, mà chia sẻ thế nào để không chạm nỗi đau của người ta. Mình từng tủi nhục, nuốt nước mắt ngược, cam khổ thế nào thì phải hiểu người ta. Ngày xưa đâu có các chương trình chia sẻ cộng đồng như bây giờ, người khổ không có nhiều thông tin, nên bây giờ việc giúp đỡ đã dễ dàng hơn. Tôi luôn lấy mình làm cột mốc để giúp đỡ những người khác.

* Nếu được chọn lại chị có chọn đi theo con đường làm nghệ sĩ cải lương không?

– Tôi luôn vái Tổ nếu có kiếp sau vẫn cho con làm nghề và được đi hát. Ngày xưa khi tôi đóng vai ác, có những vai người ta ghét kinh khủng, ra đường là tôi bị chửi kiểu như “nhỏ này nè, ác lắm, coi mà tui muốn đánh nó dễ sợ”, tôi nghe cũng buồn lắm. Nếu để ý sau này tôi đóng vai ác phải là dạng vai có hoàn cảnh đưa đẩy chứ không phải bản chất con người mình là thế.

* Xin hỏi chị, thời hoàng kim nhất cát-sê của chị được bao nhiêu?

– Mấy cây vàng một đêm, tôi đã có mức đó. (cười)

* Xin cám ơn NSƯT Thoại Mỹ!

Mai Ngọc (thực hiện)

Ảnh: BTC Đường đến danh ca vọng cổ cung cấp


Đánh giá bài viết

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *