Kịch bản sử Việt quá ít, cần được đầu tư

Kịch bản sử Việt quá ít, cần được đầu tư

12/07/2023
1718 Lượt xem

(CLV) – Thời gian gần đây, sân khấu cải lương tại TP HCM liên tục sáng đèn nhưng lại diễn quá nhiều vở có tuồng tích từ Trung Quốc

Giới chuyên môn không khỏi lo lắng, cho rằng việc cấp phép biểu diễn của cơ quan chức năng tại TP HCM có phần dễ dãi khi các sàn diễn cải lương thời gian gần đây công diễn dày đặc tuồng tích từ Trung Quốc.

Tràn lan tuồng Trung Quốc

Hai vở “Sóng gió Đại Minh triều“, “Mão Đoan Tinh giáng thế” cùng diễn tối 8-7 tại Nhà hát Trần Hữu Trang và Nhà hát Bến Thành. Ngày 15-7, 3 vở “Bao Công tra án Quách Hòe“, “Mộc Quế Anh dâng cây“, “Má hồng Phi nữ” diễn tại Nhà Văn hóa Sinh viên, Nhà hát Bến Thành và Nhà hát Nụ cười (Cung Văn hóa Lao động TP HCM). Trong khi đó, vở “Hoàn Châu cách cách” sẽ diễn tại rạp Hồng Liên tối 22-7. Đó đều là những vở có tuồng tích từ Trung Quốc.

Trong đó, “Má hồng Phi nữ” là sáng tác mới của nghệ sĩ Hoàng Đăng Khoa, nói về cuộc đời Phi Giao – con gái nhân vật Mạnh Lệ Quân trong sách sử của Trung Quốc. Vở diễn này không tổ chức phúc khảo nhưng vẫn được cấp phép biểu diễn tối 15-7 tại Nhà Văn hóa Sinh viên TP HCM. Lẽ ra sân khấu Nhà Văn hóa Sinh viên TP HCM phải là địa điểm sinh hoạt cộng đồng, giới thiệu những tác phẩm sử Việt, nêu cao tấm gương kiên trung ái quốc.

Nhiều người trong giới còn tỏ ra bức xúc khi chương trình “Tài danh đất Việt lần 4” với sự góp mặt của hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi nhưng cũng diễn nhiều vở tuồng của Trung Quốc.

Theo các nhà chuyên môn, việc sàn diễn cải lương tuồng cổ sáng đèn là nhờ một bộ phận khán giả yêu thích thể loại này. Ngoài ra, các kịch bản được cải biên từ tích truyện Trung Quốc từng được khai thác từ hát bội cho đến cải lương tuồng cổ trong nhiều thập niên qua nên đã quen thuộc.

Việc dàn dựng quá dày tuồng tích từ sử sách nước ngoài cần phải xem lại và điều chỉnh cho phù hợp hơn. Sau đại dịch COVID-19, sân khấu sáng đèn là tín hiệu tích cực nhưng phải nghĩ đến cái chung của sân khấu TP HCM. Không thể dựa vào lý do tìm mọi cách để sân khấu sáng đèn sau đại dịch mà cứ thoải mái diễn vở gì cũng được, miễn có người xem” – NSƯT Lê Thiện trăn trở.

Kịch bản sử Việt quá ít, cần được đầu tư - Ảnh 1

Một cảnh trong vở cải lương sử Việt “Bão táp Nguyên Phong” của Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ

Khắc phục việc khan hiếm vở diễn thuần Việt

Vì sao các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa lại khai thác nhiều tuồng tích của Trung Quốc? Soạn giả Hoàng Song Việt cho rằng lượng khán giả thích xem thể loại này đông, các vở diễn thường bảo đảm về doanh thu.

Để khắc phục tình trạng khan hiếm vở cải lương thuần Việt, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng và hội chuyên ngành nhằm tập huấn sáng tác kịch bản” – soạn giả Hoàng Song Việt đề xuất.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cố NSND Thanh Tòng từng chủ động nghiên cứu, sáng tác nhiều vở cải lương tuồng cổ mang màu sắc sử Việt rất hay và tạo ra những cơn sốt phòng vé, như: “Câu thơ yên ngựa“, “Tô Hiến Thành xử án“, “Ngọn lửa Thăng Long“, “Má hồng soi kiếm bạc“…

NSƯT Kim Tử Long cho rằng cần có chiến lược đầu tư, khuyến khích để tuồng sử Việt tiếp cận khán giả. Cơ quan có thẩm quyền cần hỗ trợ giảm giá thuê rạp, giá vé, hỗ trợ sáng tác kịch bản sử Việt. “Tôi đã từng cải biên vở “Rạng ngọc Côn Sơn” – câu chuyện nói về anh hùng Nguyễn Trãi – nhưng mức đầu tư khá cao. Giá vé vì thế cũng không thể rẻ, do vậy khó thu hút khán giả bình dân đến rạp” – NSƯT Kim Tử Long dẫn chứng.

Đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ hiến kế: “Để khuyến khích việc sáng tác kịch bản cải lương sử Việt, cần kêu gọi các đoàn nghệ thuật xã hội hóa cùng tham gia. Làm sao để nếu trong 1 năm dựng 3 vở thì ít nhất 2 vở phải là kịch bản về sử Việt“.

Hội Sân khấu TP HCM cho biết sẽ sớm tổ chức cuộc tọa đàm xung quanh vấn đề cải lương tuồng cổ, nội lực và những giải pháp chắp cánh cho kịch bản cải lương sử Việt đến với công chúng. Nghệ sĩ Bình Tinh nhìn nhận: “Đây là dịp để các nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn trao đổi thẳng thắn, tìm ra những rào cản khiến khan hiếm kịch bản sử Việt. Cần chung tay tạo ra nhiều tác phẩm sử Việt sáng đèn trên sân khấu để góp phần nâng cao tinh thần yêu nước trong giới trẻ“.

Các nghệ sĩ lão thành cho rằng TP HCM cần có chiến lược bồi dưỡng lực lượng sáng tác, đạo diễn trẻ và hỗ trợ đưa tác phẩm cải lương thuần Việt đến với công chúng.


NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu: Sẽ sáng tác kịch bản sử Việt cho mọi lĩnh vực

(CLV) – Sau loạt bài “Cải lương tuồng cổ “khát” kịch bản sử Việt” đăng trên Báo Người Lao Động từ ngày 20-2, phóng viên Báo Người Lao Động...

Nghệ sĩ Chí Linh: Trăn trở viết và dựng vở sử Việt

(CL) – Nghệ sĩ Chí Linh luôn trăn trở về đội ngũ kế thừa, không chỉ diễn viên mà còn với cả lực lượng tác giả, đạo diễn sân...

Cải lương tuồng cổ “khát” kịch bản sử Việt

(CLV) – Kịch bản về sử Việt trong cải lương tuồng cổ luôn truyền tải những thông điệp nhân văn, đầy tính giáo dục đến với công chúng nhưng...

5/5 - (1 bình chọn)
Nguồn bài viết: Người Lao Động

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *