Ước mong dệt tấm áo của người Việt

Ước mong dệt tấm áo của người Việt

12/09/2023
841 Lượt xem

(CLV) – Đoàn Hoa Mai (Nhà hát Cải lương Hà Nội) vừa tổng duyệt vở cải lương huyền sử “Khúc tiên chúa – Phượng múa trời Nam”.

Ước mong dệt tấm áo của người Việt - Cải lương - Ảnh 1

Tổng quản phủ Tiết độ sứ Lưu Tiệp (giữa) ân hận lấy cái chết tạ lỗi với người phương Nam. Ảnh: Bình Thanh

Đoàn Hoa Mai (Nhà hát Cải lương Hà Nội) vừa tổng duyệt vở cải lương huyền sử “Khúc tiên chúa – Phượng múa trời Nam”. Vở diễn là bài ca về tấm lòng yêu nước của nàng Khúc Thị Ngọc với ước mong đem tài đức của mình dệt tấm áo của riêng người Việt ngay ở buổi đầu cùng cha anh xây nền tự chủ cho đất phương Nam.

Nữ nhi mà chẳng thường tình

Lần đầu được tái hiện trên sân khấu, hình tượng con gái yêu Khúc Thị Ngọc của hào trưởng Khúc Thừa Dụ ở đất Giao Châu – không chỉ mang vẻ đẹp trong trẻo, thanh tân của tuổi mười tám, đôi mươi, mà còn sáng ngời tinh thần thượng võ cùng phẩm chất, chí khí của một nữ tướng “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Nghệ sĩ Thiên Hương tuy có phần đứng tuổi khi hóa thân vào vai diễn này nhưng bằng giọng ca ngọt ngào, truyền cảm; khuôn mặt xinh đẹp, dáng hình thanh thoát cùng diễn xuất tinh tế chị đã khắc họa thành công hình tượng sân khấu đặc biệt này để chinh phục khán giả ở từng lớp diễn với nhiều cung bậc cảm xúc…

Đó là những phút giây nhẹ nhàng, thảnh thơi cùng Khúc Thị Ngọc hòa vào cuộc sống xóm thôn, sớm hôm dạy thiếu nữ thôn quê tầm tang, canh cửi. Dẫu là lá ngọc cành vàng nhưng nàng chẳng quản khó nhọc cùng chúng dân chăm chút từng nong tằm, luống dâu đem lại cuộc sống ấm no rộn bao tiếng cười hạnh phúc…

Hoặc như, khoảng trời tình tứ của nàng với chàng Phạm Hữu – một tướng trẻ dũng cảm, tài ba của Khúc hào trưởng. Giữa hai người rõ là “tình trong như đã” nhưng “mặt ngoài còn e”. Dẫu vậy, mối tình e ấp ấy cũng đã có lời nguyện thề sắt đá không chỉ của người trai si tình, mà còn từ chính nàng thiếu nữ dám khước từ mối duyên sắp đặt để được lựa chọn hạnh phúc theo tiếng gọi của con tim…

Ước mong dệt tấm áo của người Việt - Ảnh 2

Vở cải lương huyền sử ‘Khúc tiên chúa – Phượng múa trời Nam’ là bài ca về tấm lòng yêu nước của nàng Khúc Thị Ngọc (nghệ sĩ Thiên Hương). Ảnh: Bình Thanh

Sau những phút giây thanh bình ấy, đóa trinh nữ Khúc Thị Ngọc phải trải qua bao gian lao, thử thách có khi bị giặc bắt cóc cũng có khi nàng chủ động bước vào hang hùm, miệng sói. Lúc bị bất ngờ đưa vào hiểm nguy, nàng chẳng hề khiếp sợ, nao núng.

Trong khi kẻ thù lầm tưởng người con gái này mỏng manh yếu đuối, sớm ngã vào vòng tay hắn thì bất ngờ thay nàng dám quyết liệt chống trả, thẳng tay chỉ mặt tên Lưu Trấn, đề đốc thành Tống Bình, kẻ soán vị Tĩnh hải quân Tiết độ sứ mà khẳng định chủ quyền của người phương Nam: “Tiết độ sứ ư? Không, với ta, ông chưa bao giờ là Tiết độ sứ. Mảnh đất này sẽ mãi mãi là của người Nam, xứ sở này sẽ mãi mãi là của người Nam…”.

Đặc biệt, lúc chủ động xông vào hang hùm, nàng thực sự là nữ tướng xung trận, túc trí đa mưu, tương kế tựu kế, dụ cọp ra khỏi hang, khiến hắn lơ là việc quân binh để cha và anh thừa cơ giành thế chủ động tấn công thành Tống Bình, dần đi đến ngày đặt viên gạch đầu tiên xây nền tự chủ.

Quyết định này được Khúc Thị Ngọc đưa ra sau khi khước từ lời ban hôn của cha cho tướng Nguyễn Đình đang trấn giữ xứ Thanh Hoa để giúp ông lo quốc sự “sớm giành tự chủ trời Nam” mà cũng để con gái bớt nguy hiểm.

Thế nhưng, người con gái ấy luôn thấu hiểu nỗi lòng canh cánh của cha anh nên nàng đã đưa ra lựa chọn của riêng mình. Đó cũng là lúc nàng được khảng khái gác lại tình riêng mà “nguyện theo bước Trinh nương đạp sóng giữa muôn trùng” và “cùng cha xây đắp trời Nam riêng của người Nam, sáng danh muôn đời”.

Việc nàng muốn làm không chỉ để vui với hạnh phúc của riêng mình, mà là đến với chúng dân để “dạy cho dân thôn nghề tầm tang canh cửi, biết lựa kén nong tằm, dệt lụa ươm tơ”.

Nhưng khi giặc đã đến tận nhà – tên Lưu Trấn độc ác ngày đêm truy lùng, tàn sát dân lành – cũng đánh tiếng muốn cưới hỏi nàng, Khúc Thị Ngọc liền chọn việc khó, xung phong tuyến đầu, trực tiếp đối diện với nguy nan, chẳng hề tiếc thân mình.

Trước đó, khi thấy giặc hung ác gây bao điều nhiễu nhương, Khúc Thừa Dụ đã khéo léo đưa những người phụ nữ trong phủ tránh cơn binh biến (được thể hiện đầy tinh tế, đậm chất dân gian qua màn múa quạt che mặt). Thế nên, khi Khúc Thị Ngọc chủ động xuất hiện, tiếp cận Lưu Trấn khiến ông không khỏi bất ngờ, lo lắng cho thân gái liễu yếu đào tơ giữa miệng sói.

Vậy nhưng, nghe kế sách và tin vào bản lĩnh, trí tuệ hơn người của con gái, ông liền vững lòng phối hợp tác chiến trong ứng ngoài hợp để từ đó tạo đà đến ngày Khúc hào trưởng chính thức trở thành người Việt đầu tiên cai trị xứ Giao Châu, được công nhận là Tĩnh hải quân Tiết độ sứ.

Đây là tình huống được ê-kíp sáng tạo hư cấu, nhưng vẫn logic, thể hiện rõ tư chất của nàng Khúc Thị Ngọc mà sử liệu đã ghi: “Thông minh, ý chí mạnh mẽ hơn người” và “khi sống cùng cha ở Tống Bình, được tham bàn kế an dân giữ nước”.

Nhẹ nhàng kết nối qua từng phân cảnh, lớp diễn, cao trào của vở diễn được đẩy lên cùng hình tượng nữ anh hùng xả thân vì nghĩa lớn như Khúc Thị Ngọc. Từ đó, vở diễn muốn gửi đến khán giả hôm nay thông điệp về khát vọng tự chủ của dân tộc Việt luôn chảy trong huyết quản mỗi người, bất kể là ai, không trừ phụ nữ hay trẻ nhỏ, từ đời này qua đời khác, chỉ chờ khi có cơ hội là hòa vào dòng chung và bùng cháy để cùng bảo vệ nền độc lập của non sông.

Trước đó, khi bạo loạn, chiến chinh chưa trực tiếp xảy ra, ngày ngày tầm tang cùng chúng dân, Khúc Thị Ngọc đã mang niềm mong mỏi: “Mong chiến chinh khổ đau không còn, muôn nhà an lành no ấm/ Hỡi mây gió xin gửi trao ngàn ân tình với non nước và muôn người, nguyện cầu cho dân mình không còn lầm than để nơi này là nước non thiêng liêng…”.

Cùng với đó là niềm mơ ước rất đỗi bình dị mà sâu sắc: Bằng những sợi tơ được đôi tay tảo tần thôn dân se từ kén tằm ăn dâu trồng trên ruộng đồng quê hương, nàng sẽ tự tay dệt nên tấm áo của riêng người phương Nam. Việc làm tưởng nhỏ bé ấy nhưng thể hiện bản lĩnh, tinh thần tự chủ, tự cường. Chí lớn ấy thôi thúc Quỳnh Hoa “nữ nhi mà chẳng thường tình” ra trận…

Lớp diễn này được đạo diễn khéo léo dàn dựng thật đậm chất thơ mở ra không gian làng quê thanh bình cùng cuộc sống ấm no, yên ả. Trong làn khói bảng lảng, những nong lá dâu xanh được nghệ sĩ hái bên bãi ven bờ sông Nhuệ – nơi giờ đây có đền thờ bà Khúc Thị Ngọc – xen với những lá dâu được tạo hình cách điệu trên sân khấu thật huyền diệu.

Lớp diễn ấy gợi những chiều liên tưởng về ý chí độc lập, tự chủ, dù bị 1.000 năm Bắc thuộc hay hơn thế nữa thì người Việt vẫn quyết không chịu khuất phục. Dẫu điều đó chưa khi nào dễ dàng nhưng vẫn luôn được nung nấu thực hiện để đến một ngày người phương Nam sẽ mặc chiếc áo của riêng mình.

Khát vọng này của Khúc Thị Ngọc hòa chung khát vọng của cha anh, của dòng họ Khúc và cũng là khát vọng của dân tộc: “Trời đất phương Nam còn sương gió não nùng, nhất định sẽ có ngày những mầm xanh trổ lá. Bằng triệu triệu lưỡi gươm chém gông xiềng nô lệ, đánh đuổi giặc trả lại sự bình an”.

Ước mong dệt tấm áo của người Việt - Ảnh 3

Tấm lòng ‘nguyện theo bước Trinh nương đạp sóng giữa muôn trùng’ của nàng Khúc Thị Ngọc khi thực hiện kế sách dụ ‘cọp’ ra khỏi hang. Ảnh: Bình Thanh

Thỏa lòng người nay

Cùng với việc khắc họa thành công hình tượng nàng Khúc Thị Ngọc thảo hiền về với chúng dân dạy tầm tang canh cửi mà vẫn mang chí lớn góp sức cùng cha anh đánh đuổi giặc ngoại bang, vở cải lương huyền sử “Khúc tiên chúa – Phượng múa trời Nam” còn đem đến cho khán giả hôm nay những phút giây thỏa dạ khi được nghe chính người phương Bắc vạch mặt tên bá đạo và thực lòng tạ lỗi với chúng dân phương Nam.

Vẫn khắc họa rõ nét giặc ngoại bang cai trị tàn độc như những tên Lưu Trấn, Lý Ban nhưng ở vở này còn có nhân vật Lưu Tiệp mang cái nhìn đầy thiện cảm và nể phục về đất phương Nam. Ông ta là người được nhà Đường cử đến phương Nam giữ chức Tổng quản phủ Tiết độ sứ, song dần được cảm hóa bởi con người và mảnh đất nơi đây.

Trước những việc làm trái đạo của Lưu Trấn cùng hầu cận Lý Ban ra sức cướp bóc, ức hiếp dân lành, ông đã lớn tiếng chỉ thẳng mặt gọi đó là “quân ăn cướp” và khẳng định đất phương Nam không có chỗ dành cho chúng.
Biết rõ là vậy nhưng khi bị ép buộc đến đường cùng và để cứu con gái Lưu Nguyệt, ông ta đành nhắm mắt sửa lại chiếu chỉ sắc phong Tiết độ sứ cho Lưu Trấn (theo ý của hắn).

Nhưng sau việc này, Lưu Tiệp thấy mình mắc nợ với người dân phương Nam: “Vì ta gây họa tới cho bao người, lòng ta chết lặng/ Vận xưa tàn hiu hắt mây mù bủa giăng đêm tối vây quanh làm sao xót xa được…”. Ông nguyền rủa tên Lưu Trấn rằng “thiện ác đáo đầu” và gửi gắm niềm tin vào Khúc gia trang “sẽ là niềm tin duy nhất, cứu cho dân lành nơi này thoát cảnh lầm than”.

Lần thứ hai tiếp tục bị Lý Ban bức ép giữa sinh mạng con gái và tấm bản đồ Tĩnh hải quân, Lưu Tiệp đã chọn cái chết để bảo toàn cho cả hai. Tấm bản đồ mà vị Tổng quản này cất giấu để đưa cho Khúc gia trang như lời tạ lỗi của ông với người phương Nam.

Đó là nỗi lòng: “Một lần lầm lỡ di họa bao người” bởi đã tiếp tay cho một “Tiết độ sứ nhiễu nhương tán loạn, không giúp gì mà chỉ gây thống khổ cho chúng dân”, rồi ông cầu xin: “Hãy thứ tha lầm lỡ nơi này, hẹn lại kiếp sau với muôn vàn ước nguyện cho Giao Châu xứ sở… Ước gì đất phương Nam này bừng lên trong nắng mới…”.

Thường thì, trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, nhất là trên sàn diễn sân khấu, khán giả, độc giả gặp những nhân vật ở hai tuyến đối đầu không đội trời chung giữa ta và địch. Đã là tuyến địch thì chỉ có sự đàn áp tàn bạo, độc ác.

Ước mong dệt tấm áo của người Việt - Ảnh 4

Nàng Khúc Thị Ngọc vui tầm tang, dệt cửi cùng dân thôn.

Vậy nên, có thể thấy, việc xây dựng nhân vật phía địch dám thẳng thắn nhận trách nhiệm và xin lỗi một cách rõ nét, gần như tạo thành điển hình như nhân vật Lưu Tiệp trong vở cải lương này thực là mạnh dạn và có phần phá cách của ê-kíp sáng tạo. Có thể, đó chỉ là sự tưởng tượng từ mong ước nhưng rất đỗi nhân văn, công bằng.

Cùng là những ông quan đi cai trị nhưng không phải ông quan nào cũng bạo tàn mà đâu đó vẫn có những người thấu hiểu đạo nghĩa nhân, sự tự chủ của mỗi dân tộc, vùng đất. Rồi chính họ được người dân bản địa cảm hóa để nhận ra hãy cùng nhau xây đắp bầu trời yêu thương cùng sự tôn trọng chủ quyền, độc lập của mỗi đất nước.

Con thuyền của Khúc gia trang chở linh cữu Lưu Tiệp về cố quốc (theo ước nguyện cuối cùng của ông ta) dù chỉ tái hiện trong khoảnh khắc mà thật sâu lắng.

Cùng với đó, khán giả hôm nay khi thưởng thức vở diễn vừa được thỏa lòng tưởng tượng về chuyện xưa cách đây hơn nghìn năm vừa được lắng lại những bài học về cách đối nhân xử thế của cha ông: Luôn không ngừng đấu tranh xây dựng, bảo vệ nền độc lập, tự chủ, đồng thời lấy chữ nhân để cảm hóa, hướng thiện cho người phương khác đến đây để cùng hưởng an lạc, thái bình.

“Đoàn Hoa Mai có hơn 2 tháng tập luyện để dịp này ra mắt công chúng vở cải lương huyền sử “Khúc tiên chúa – Phượng múa trời Nam” (kịch bản văn học: Nguyễn Sỹ Chức (lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Khúc gia trang dậy sóng trời Nam” của Tiến sĩ Khúc Minh Tuấn), chuyển thể cải lương: Diệu Hạnh, đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai). Với sự tham gia của NSƯT Tuấn An, NSƯT Quang Thanh, NSƯT Anh Túc cùng các nghệ sĩ: Thiên Hương, Đức Cảnh, Hoàng Long…, vở diễn như một nén tâm nhang thành kính dâng lên bà Khúc Thị Ngọc và các bậc tiền nhân dòng họ Khúc”. NSƯT Thu Hoài – Trưởng đoàn Hoa Mai, Nhà hát Cải lương Hà Nội


5/5 - (1 bình chọn)
Nguồn bài viết: Giáo dục thời đại

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *