Đạo diễn Quế Anh mang “Niềm khát” tới Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm

Đạo diễn Quế Anh mang “Niềm khát” tới Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm

Chưa phân loại
12/10/2019
531 Lượt xem

Tham gia Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm năm 2019 đang diễn ra tại Hà Nội, vở cải lương “Niềm khát” của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn tối 11-10 đã mang lại nhiều điều bất ngờ cho khán giả đam mê môn nghệ thuật truyền thống này.

Theo đạo diễn, NSƯT Quế Anh, trước sự thay đổi mạnh mẽ về nhu cầu thưởng thức của khán giả, nếu sân khấu không đổi mới sẽ bị lạc hậu so với đời sống hiện tại. Chính vì vậy, việc mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm để làm mới sân khấu là việc làm hết sức cần thiết. “Niềm khát” lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, câu chuyện về những người trẻ đam mê khoa học, trong đó tập trung vào nhân vật chính là TS Trung (do nghệ sĩ Khánh Dư thủ vai), một người trẻ say mê nghiên cứu và sáng tạo robot. Suốt cuộc đời mình Tiến sĩ Trung khao khát đem những sáng tạo có tính ứng dụng của mình phục vụ cho cuộc sống của con người…

Đạo diễn Quế Anh mang “Niềm khát” tới Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm

Cảnh trong vở diễn “Niềm khát”.

Đạo diễn Quế Anh cho biết thêm, để ra mắt vở cải lương này, chị đã lên ý tưởng và thực hiện nó trong gần một năm. Bên cạnh việc xây dựng nhân vật hóa thân thành các robot thế hệ mới, điều khiến chị trăn trở và lo lắng nhiều nhất trong “Niềm khát” chính và vấn đề về âm nhạc. Vì vậy, chị đã phải mời đội ngũ cố vấn chuyên nghiệp về âm nhạc tham gia giúp đỡ với các tên tuổi như: NSND Hoàng Anh Tú, nhạc sĩ Ðặng Tiến Ðạt, Huỳnh Tấn Dững, Trương Minh Châu…Các nghệ sĩ này đã góp sức sáng tạo từ nhạc nền cho đến từng lời thoại của nhân vật trong vở diễn. Bản nhạc hoàn chỉnh, hòa quyện nhạc cổ và nhạc tân trên nền cải lương theo sát từng hành động, từng lời nói của nhân vật, mang đến sự bất ngờ cho người xem.

“Niềm khát” là một cuộc thử nghiệm sân khấu thú vị, nhưng cũng đầy thách thức trong việc mở rộng không gian và khả năng diễn tả, của nghệ thuật sân khấu cải lương truyền thống, một di sản sân khấu quý báu đã hình thành và được gìn giữ suốt hơn mười thế kỷ tại Việt Nam. Với thời lượng 90 phút, vở diễn quy tụ sự tham gia của hơn 30 nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai. Sân khấu vở diễn được các diễn viên làm chủ, không gian thay đổi liên tục để tăng sức hút, sự tò mò cho khán giả.

Đây cũng là lần đầu tiên NSƯT Quế Anh thử sức với vai trò đạo diễn và chị chọn một đề tài hoàn toàn mới mẻ, mang tính toàn cầu, phá vỡ nhiều chuẩn mực của cải lương truyền thống, khác với cách làm mới tác phẩm từ những tích cũ trước đây của Nhà hát. Tính thử nghiệm còn được thể hiện trong cách dàn dựng, xây dựng cảnh trí sân khấu với tiết tấu nhanh, âm thanh, ánh sáng thay đổi liên tục. Trang phục của diễn viên và robot được đầu tư kỹ lưỡng, sử dụng các đèn led, máy chiếu để tạo nên những hiệu ứng. Nhiều cảnh trong vở diễn được đẩy lên cao trào, cách giải quyết các xung đột tạo sự bất ngờ. Diễn viên cũng diễn theo cảm xúc riêng chứ không theo quá trình, lớp lang. Cảnh trí được thiết kế đơn giản nhưng không kém phần hiện đại.

“Niềm khát” còn gây chú ý bởi có sự tham gia của dàn diễn viên trẻ, tài năng, tâm huyết và có “sắc vóc” của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai. Đặc biệt, dàn múa là những diễn viên trẻ chuyên nghiệp, chưa bao giờ tham gia sân khấu cải lương nhưng kết hợp rất đồng đều và nhuần nhuyễn. Mặc dù nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những robot thế hệ mới nhưng người xem vẫn nhận ra những giá trị cốt lõi của cải lương “Niềm khát”. Ở đó, người làm khoa học chân chính là phải có chiều sâu văn hóa, có khát vọng được sống và cống hiến cho đời. Rất nhiều vấn đề được đặt ra trong vở diễn. Đó là sự gia tăng của tội phạm công nghệ cao khi khoa học càng phát triển; là sự xuất hiện của robot thông minh thay thế con người; là đạo đức, là tình yêu và sự hi sinh…

Với việc chọn đề tài mới cùng một lớp diễn viên trẻ, tài năng và nhiệt huyết vào vở cải lương mang tính thử nghiệm, hi vọng rằng, “Niềm khát” sẽ chiếm được tình cảm yêu mến của khán giả và tạo ra một bước “đột phá” trong làng sân khấu cải lương.

Bài, ảnh: MỘC ĐẠI


Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *