Gia đình của NSND Lệ Thủy, phía sau ánh đèn sân khấu

Gia đình của NSND Lệ Thủy, phía sau ánh đèn sân khấu

30/05/2019
752 Lượt xem

(CLV) – “Dù bên ngoài xã hội, mình có là ngôi sao hay địa vị thế nào đi nữa nhưng khi về nhà vẫn nên thấp hơn chồng một chút thì gia đình mới êm ấm“, NSND Lệ Thủy chia sẻ.

Nghệ sĩ có chồng hoặc vợ ngoài ngành rất dễ gẫy đổ, bởi giới showbiz chẳng những nhiều thị phi, đồn thổi mà còn bởi đặc thù nghề nghiệp buộc họ phải đi sớm về khuya, khó dành trọn vẹn thời gian và tâm trí cho gia đình. Riêng Lệ Thủy thì khác.

Gia đình của NSND Lệ Thủy, phía sau ánh đèn sân khấu - Ảnh 1

NSND Lệ Thủy

Phải nghỉ học ở nhà phụ cha mẹ kiếm tiền

NSND Lệ Thuỷ (sinh năm 1948) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông con ở tỉnh Vĩnh Long. Hồi Lệ Thủy 3 tuổi, căn nhà ở quê bị cháy, mẹ gởi đứa em trai mới lẫm chẫm biết đi ở quê rồi cả gia đình líu ríu dắt nhau lên Sài Gòn mưu sinh.

Ba của Lệ Thủy từng làm cửu vạn ở bến tàu. Mẹ xin giúp việc cho người ta nhưng vì có con nhỏ nên không ai nhận, thế là bà nhận nấu cơm tháng cho mấy người thợ bốc vác.

Sau, có người quen rủ làm bánh để giao cho mối. Rồi công việc làm bánh của mẹ cũng dần ổn định nên mua được căn nhà nhỏ nhưng Lệ Thủy phải bỏ học từ rất sớm chỉ vì tờ giấy khai sinh đã bị cháy cùng căn nhà ở quê năm nào.

Nhà thì nghèo, đông con, lo cơm gạo hàng ngày đã mướt mồ hôi, đâu còn thời gian mà chạy đi làm lại giấy tờ. Bởi thế, Lệ Thuỷ phải nghỉ học ở nhà vừa phụ cha mẹ kiếm tiền vừa phụ trông đàn em nheo nhóc.

Gia đình của NSND Lệ Thủy, phía sau ánh đèn sân khấu - Ảnh 2

NSND Lệ Thủy

Nhà đông em, vui thì vui nhưng cũng lắm lúc mệt. Dỗ đứa này ngủ xong, đứa kia mơ thấy gì đó lại khóc rống lên, đứa nọ thấy đứa kia khóc cũng giật mình khóc theo. Mấy đứa nhỏ hơn thấy mấy đứa kia khóc cũng lại hùa vào… khóc phụ. Thế là thành cái dàn đồng ca.

Ở ngay kế bên, có tiệm sửa radio tối ngày mở cải lương. Lệ Thủy nghe riết thành thuộc. Bắt chước người ta, cô bé 10 tuổi ấy cũng hát cải lương để ru em ngủ.

Có lần, ông Tư Long – một người làm trong ban văn nghệ ở xóm tình cờ nghe được, thấy cô bé Lệ Thuỷ có chất giọng trời phú nên khuyên đi học ca cổ, để trong phường xóm có đám ma, đám cưới thì hát, đặng có tiền đỡ đần cha mẹ.

Thế là cô bé Lệ Thuỷ được dắt sang gửi thầy Năm Truyền làm thợ cắt tóc ở Khánh Hội để học ca cổ. Sau đó lại được gửi học bài bản cải lương với nhạc sĩ Tám Đen.

Nhưng đi hát đám cho bà con lối xóm thì không có tiền trong khi các em lại ốm đau liên tục, gia đình túng thiếu.

Để đỡ gánh nặng kinh tế cho ba mẹ, Lệ Thuỷ được gửi làm con nuôi ông bà Mười Của – đánh đàn ở đoàn Trâm Vàng. Lệ Thuỷ ở đoàn, ai sai gì làm nấy: từ rửa chén đến giặt mùng mền đến đun nước pha trà…

Gia đình của NSND Lệ Thủy, phía sau ánh đèn sân khấu - Ảnh 3

Minh Vương – Lệ Thuỷ: “trời sinh một cặp” trên sân khấu cải lương vang dội một thời.

Biết chuyện, bà con lối xóm cản, nói với mẹ của Lệ Thuỷ: “Chị Chín ơi, làm gì cho con nhỏ đi hát. Con gái đi hát là dễ hư lắm, không được. Nghèo thì nghèo, cần thì tụi tôi giúp chứ sao cho con đi hát”.

Đêm đầu tiền ở lại gánh hát Trâm Vàng một mình mà không có mẹ, trải chiếu ngủ trên sân khấu, Lệ Thuỷ buồn muốn khóc nhưng vẫn cương quyết ở lại vì nếu về thì trong nhà lại thêm một miệng ăn, còn không phụ kiếm được tiền.

Sáng hôm sau, gánh hát rời Biên Hoà, Đồng Nai ra miền Trung diễn. Lần đầu tiên, cô bé 12 tuổi Lệ Thuỷ đi xa nhà đến thế!

Đúng lúc đó, trong đoàn có một kép con bị vỡ tiếng tuổi dậy thì, không hát được. Đi theo đoàn, tối nào cũng nghe hát nên Lệ Thuỷ thuộc tuồng. Mọi người trong đoàn gợi ý Lệ Thuỷ hát thế vai. Cũng từ đó, Lệ Thuỷ được giao vai luôn và bắt đầu bước chân vào con đường nghệ thuật.

13 tuổi, Lệ Thuỷ đóng kép con, 14 tuổi được đóng đào nhì, 15 tuổi đã là cô đào sáng giá của các gánh hát cải lương thời đó.

Tiếng hát đặc biệt của Lệ Thuỷ khiến bà được khán giả mộ điệu đặt biệt danh “cô đào ngoại hạng của sân khấu cải lương”.

Phụ nữ có địa vị xã hội thế nào đi nữa, về nhà nên thấp hơn chồng một chút

Năm 1973, cô đào ngoại hạng lên xe hoa với một chàng kỹ sư kinh tế ở trọ trước hẻm nhà mình. Hơn 40 năm chồng vợ, có với nhau 3 người con thành đạt, họ vẫn giữ một mái ấm gia đình lý tưởng trong mắt của đồng nghiệp cũng như khán giả.

Để giữ được cho mái ấm vững vàng, vượt qua mọi giông tố là điều không hề dễ dàng.

NSND Lệ Thuỷ cho rằng, nghệ sĩ có chồng hoặc vợ ngoài ngành rất dễ gẫy đổ, bởi giới showbiz chẳng những nhiều thị phi, đồn thổi mà còn bởi đặc thù nghề nghiệp buộc họ phải đi sớm về khuya, khó dành trọn vẹn thời gian và tâm trí cho gia đình.

Gia đình của NSND Lệ Thủy, phía sau ánh đèn sân khấu - Ảnh 4

NSND Lệ Thuỷ vẫn vô cùng đẹp ở tuổi 71.

Nhưng Lệ Thuỷ thì khác. Có lẽ do hoàn cảnh gia đình nên từ nhỏ, Lệ Thuỷ đã sớm suy nghĩ chín chắn. Từ khi hiểu chuyện, Lệ Thuỷ đã nghĩ: mình là nghệ sĩ, chồng cũng là nghệ sĩ, hai vợ chồng cùng theo đuổi nghề hát thì ai lo dạy dỗ con cái.

Thế nên Lệ Thuỷ xác định, mình phải lập gia đình với người ngoài nghề, để khi mình đi hát thì chồng thay mình chăm sóc cho con.

Bà cũng ý thức được rằng, hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến bà phải nghỉ học từ nhỏ nên về trình độ học vấn không cao. Bởi vậy, bà đặt quyết tâm, chồng phải là người có trình độ học vấn cao, để sau này còn giúp mình dạy dỗ con cái.

Đó là lý do Lệ Thuỷ “đổ” anh chàng kỹ sư kinh tế Đình Trúc người Quảng Ngãi ở trọ trước hẻm nhà mình, dù lúc đó tên tuổi của Lệ Thuỷ vang danh khắp nước, người ái mộ xếp hàng dài chờ đưa đón, trong đó có rất nhiều người giàu có – mà theo cách dùng từ hiện nay là “đại gia”.

Năm 1972 nữ nghệ sĩ Lệ Thủy và anh Đình Trúc đã nên vợ nên chồng.

Gia đình của NSND Lệ Thủy, phía sau ánh đèn sân khấu - Ảnh 5

NSƯT Lệ Thủy với chồng (phải) và con trai

Người Nam kẻ Trung vốn đã khó thuyết phục hai bên gia đình ngay từ lúc còn yêu nhau. Đến khi đã thành hôn và sinh con gái đầu lòng năm 1973, con đường sự nghiệp càng lúc càng thăng hoa khiến việc giữ gìn hạnh phúc cho mái ấm gia đình vốn đã khó nay không hề đơn giản.

Một tuần đủ bảy ngày chồng chở vợ đi ca diễn từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Khi Thụy Hiếu và Đình Trí còn nhỏ, tối nào hai chị em cũng chờ mẹ về đến tận hơn 11 giờ khuya. Khi nghe tiếng xe “tin tin” ngoài cổng là vội chạy ù vào giường vờ ngủ, đợi mẹ vào phòng nựng nịu, dỗ dành khe khẽ rồi mới ngủ say. Những lúc như vậy, dù mạnh mẽ và bản lĩnh, trái tim người mẹ của nghệ sĩ Lệ Thủy vẫn thổn thức, nước mắt len chảy dài.

Lắm nghệ sĩ không tránh được những tin đồn ác ý khiến đôi lúc gia đình lục đục. Nhưng cũng chính những lần sóng gió đó càng khiến Lệ Thủy thêm yêu quý người chồng và gia đình nhỏ của mình. Bởi, như con trai Đình Trí của chị kể lại: “Ngày còn nhỏ, đôi khi chưa hiểu chuyện, chị em Trí thấy hoang mang khi nghe những đồn thổi không hay. Nhưng chính sự điềm tĩnh và thoải mái đối mặt với những việc như vậy của ba khiến không khí gia đình ngay lập tức lấy lại sự bình yên. Và chỉ cần một lời giải thích nhẹ nhàng của mẹ, thế là đủ, mọi việc đã ổn định và trở lại bình thường”.

Gia đình của NSND Lệ Thủy, phía sau ánh đèn sân khấu - Ảnh 6

NSND Lệ Thuỷ và con trai – ca nhạc sĩ Dương Đình Trí.

Là người “Nam rật” nhưng từ khi lấy chồng miền Trung, nghệ sĩ Lệ Thủy có nghề “tay trái” là đổ bánh bèo, nấu bún bò cho chồng con những khi tranh thủ vào bếp. Dù có người giúp việc nhưng từ lúc còn trẻ cho đến khi đã ở tuổi thất tuần như hiện nay, nữ nghệ sĩ nổi tiếng đảm đang này chưa bao giờ bỏ thói quen ưa thích là tự mình đi chợ An Đông lựa thực phẩm rồi loay hoay chế biến.

Chia sẻ về bí quyết giữ gìn mái ấm gia đình, NSND Lệ Thuỷ nói: “Tôi tự đặt ra nguyên tắc cho mình. Lúc chưa có con, có những khi đi 2, 3 tháng mới về, ra tận miền Trung nhưng khi lập gia đình rồi, tôi gắng thu xếp công việc để dành thời gian cho gia đình.

Chẳng hạn, khi ký với đoàn, tôi ra điều kiện cho mình nghỉ ngày Chủ nhật ở nhà với chồng con. Sau năm 1975 đoàn ít đi diễn xa hơn, chủ yếu là ở quanh gần thành phố nên bận rộn thế nào, cứ 6h chiều là cả nhà ăn cơm cùng nhau.

Nếu chiều bận thì bữa sáng phải quây quần. Vì bữa cơm là lúc vợ chồng, cha con, mẹ con nói chuyện, chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống. Và từ xưa đến giờ, cứ đêm 30 và ngày mùng 1 Tết, tôi không bao giờ nhận show. Có trả tiền nhiều thế nào, tôi cũng không đi hát”.

NSND Lệ Thuỷ nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất, theo tôi, dù bên ngoài xã hội, mình có là ngôi sao hay địa vị thế nào đi nữa nhưng khi về nhà vẫn nên thấp hơn chồng một chút.

Tôi không biết người khác thế nào, riêng tôi nghĩ, đã là vợ thì phải biết nội trợ, nấu ăn cho chồng con, dù không ngon cũng nên biết. Và đừng bao giờ nghe người ngoài bàn ra tán vào mà về có những cư xử không đúng mực với chồng thì gia đình nào cũng hạnh phúc”.

Bước sang tuổi 71 và “lên vai” ông bà ngoại, vợ chồng Lệ Thủy vẫn luôn đồng hành bên nhau bất kỳ nơi đâu. Nụ cười mãn nguyện mà chị có được chính là do: “Trong gia đình chẳng có ai là nghệ sĩ cả. Chỉ có Lệ Thủy – một người vợ, một người mẹ và bây giờ là một người bà mà thôi!”.


Xác minh, xử lý các kênh YouTube giả mạo NSND Lệ Thủy ca ngợi ông Lê Tùng Vân

(CLV) – Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết đang tiếp tục rà soát, xử lý chủ các kênh YouTube đăng tải thông tin...

NSND Lệ Thủy xúc động tiết lộ giây phút cuối đời của nghệ sĩ Minh Phụng

(CLV) – Nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy nghẹn ngào trước sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Minh Phụng. Chừng ấy năm trôi qua, bà vẫn không...

Cặp đôi vàng làng cải lương: Minh Vương – Lệ Thuỷ: Người tình sân khấu cải lương không ai ngờ

(CLV) – Là cặp đôi cải lương mà khán giả không bao giờ muốn thay thế, nhắc đến Lệ Thuỷ phải nhớ đến Minh Vương, nhắc đến Minh Vương...

Đánh giá bài viết
Nguồn bài viết: nguoiduatin.vn

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *