"Hậu duệ gia tộc Minh Tơ" nhân rộng quân số
Chưa phân loại
28/02/2019
714 Lượt xem
Tối 27-2, nghệ sĩ Thanh Sơn – con trai nghệ sĩ Minh Tơ và là em của cố NSND Thanh Tòng – đã giới thiệu đến khán giả chương trình “Hậu duệ tuồng cổ” tại Hội quán Nghĩa An – Miếu Quan Đế, quận 5, TP HCM, thu hút đông đảo khán giả.
Lần đầu tiên chương trình nghệ thuật vinh danh thế hệ hậu duệ của gia tộc Minh Tơ được biểu diễn kết hợp với Đoàn 2 “Triều Kịch Sơn Đầu” tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Chính điều này đã tạo sức hút đối với công chúng yêu nghệ thuật tuồng cổ dưới sự dàn dựng của nghệ sĩ Thanh Sơn.
Sinh ra trong gia đình 6 đời theo nghề hát, từ nghệ thuật hát bội đến cải lương tuồng cổ, nghệ sĩ Thanh Sơn được xem là hậu duệ duy nhất thuộc đời thứ tư của gia tộc Vĩnh Xuân – Bầu Thắng – Minh Tơ – Thanh Tòng, đã nuôi ý chí gầy dựng một đoàn hát theo phong cách tiền nhân, đồng thời truyền dạy cho thế hệ diễn viên trẻ những kinh nghiệm diễn xuất.
Từ nhiều năm qua, anh đã dạy nghề cho hàng trăm diễn viên trẻ tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM và Nhà Văn hóa Thanh Niên. Từ vũ đạo, võ thuật cho đến những điệu bộ, động thái, trạng thái tâm lý căn bản để diễn viên trẻ hóa thân vào các nhân vật của sân khấu tuồng cổ. Tự biên soạn giáo trình giảng dạy đồng thời cập nhật thường xuyên qua những lần tiếp xúc, giao lưu biểu diễn với các đoàn nghệ thuật các nước, nghệ sĩ Thanh Sơn đã đi theo mô hình giảng dạy bằng phương pháp truyền nghề của cha mình là nghệ sĩ Minh Tơ và anh trai thứ 5 – NSND Thanh Tòng.
“Khi tôi bước vào tuổi thiếu niên thì cha tôi – nghệ sĩ Minh Tơ đã ở tuổi 50, ông bị căn bệnh khớp hành hạ nên không dạy nghề cho tôi nhiều như đã dạy cho anh Năm tôi. Nhưng dù không được cha truyền nghề bài bản nhưng tôi quyết tâm học từ anh trai mình và với lòng đam mê, tôi tìm mọi cách để học và áp dụng. Bà tôi luôn dạy, muốn giỏi nghề thì phải lăn lóc học tập. Chỉ có giỏi nghề mới không bị ai làm khó mình” – nghệ sĩ Thanh Sơn tâm sự.
Năm 13 tuổi nghệ sĩ Thanh Sơn có được bước ngoặt trong đời đó là được nghệ sĩ Minh Tơ giao cho vai lớn đầu tiên – nhân vật Quan Bình. Đây là vai không có thoại, chỉ biểu diễn vũ đạo và thể hiện khí phách nam nhi bên cạnh Châu Xương – nghệ sĩ Bạch Long và Quan Công do nghệ sĩ Minh Tơ thể hiện trong vở “Quan Công đại chiến Bàng Đức”.
Khi nghệ sĩ Minh Tơ không đủ sức để trực tiếp truyền nghề cho các con, NSND Thanh Tòng đã đứng ra dạy cho nghệ sĩ Thanh Sơn kinh nghiệm sân khấu. Từ năm 1984 đến nay, anh tự lập, bằng việc vừa đi diễn, vừa dạy vũ đạo để kiếm sống và nuôi gia đình. “Tôi trải nghiệm nhiều và luôn ý thức phải giữ gìn thương hiệu của gia tộc, nên tôi gầy dựng đoàn Minh Tơ theo phong cách của ba tôi, anh tôi và truyền nghề cho thế hệ trẻ với những bài học mà tôi tích lũy được. Nhiều đồng nghiệp nói tôi nhập tâm khi làm việc, giống như chính anh trai tôi đang nhập hồn vào tôi, hướng dẫn tôi làm công việc ý nghĩa này” – nghệ sĩ Thanh Sơn xúc động.
Ấn tượng sâu sắc mà nghệ sĩ Thanh Sơn để lại sau đêm diễn 27-2 chính là nhân vật Quan Công, vai mà cha của anh đã từng thể hiện thành công, rồi đến anh trai mình – NSND Thanh Tòng. “Hiện nay có thể nói Thanh Sơn đã tiếp nhận vị trí chưởng môn nhân của gia tộc Minh Tơ, khi anh năng nỗ truyền nghề cho thế hệ diễn viên trẻ, nhân rộng quân số diễn viên trẻ theo phong cách ca diễn của Minh Tơ, đó là điều đáng mừng vì có lực lượng kế thừa, giữ gìn nghệ thuật cải lương tuồng cổ” – NSƯT Trường Sơn nhận xét.
Không chỉ dàn dựng vũ đạo thành công trong nghệ thuật cải lương tuồng cổ, nghệ sĩ Thanh Sơn còn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả trong các phim điện ảnh, truyền hình. Anh được Nhà Văn hóa Thanh Niên mời đoàn của anh về diễn mỗi tháng một chương trình, để từ đó nghệ thuật của gia tộc Minh Tơ được tiếp cận với khán giả trẻ.
“Phải lắng nghe ý kiến khán giả trẻ xem họ cần gì ở mình, từ đó cập nhật, cải tiến, tìm hình thức thể hiện vừa mang tính hiện đại nhưng vẫn giữ được cốt cách của cải lương tuồng cổ”- nghệ sĩ Thanh Sơn cho biết, khi anh đang ôm ấp việc dàn dựng những vở tuồng ca ngợi lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam qua các sự kiện lịch sử: Bạch Đằng Giang, Đống Đa – Ngọc Hồi, Ải Chi Lăng, Hội nghị Bình Than… Điều anh hạnh phúc nhất trong đêm giao lưu với Đoàn 2 “Triều Kịch Sơn Đầu” tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, chính là các nghệ sĩ đã cổ vũ việc truyền nghề của anh. “Để từ thành quả trong công tác đào tạo, tôi tin học trò mình sẽ tiếp tục trọng trách giữ cho sàn diễn cải lương tuồng cổ luôn sáng đèn” – nghệ sĩ Thanh Sơn tâm sự.
Thanh Hiệp (ảnh do NSCC)
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.130223 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98791 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95586 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94028
Để lại một bình luận