(CLV) – Kịch bản về sử Việt trong cải lương tuồng cổ luôn truyền tải những thông điệp nhân văn, đầy tính giáo dục đến với công chúng nhưng...
Kịch bản sân khấu phải từ cuộc sống
(CLV) – Chủ trương của Hội Sân khấu TP HCM là ưu tiên những kịch bản sân khấu có tính sáng tạo, hạn chế kịch bản cảm tác, chuyển thể đã gây bức xúc với nhiều tác giả
Hằng năm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TP HCM thường đặt ra các tiêu chí, chủ đề cho các trại sáng tác, theo hướng chú trọng các đề tài xã hội đương đại, phản ánh những vấn đề nóng, thời sự nổi cộm trong cuộc sống.
Thoáng hơn với kịch bản cảm tác
Tại Trại sáng tác kịch bản năm 2023 do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, từ ngày 18 đến 23-6, đã diễn ra sự tranh luận sôi nổi xoay quanh quy định không khuyến khích đưa kịch bản cảm tác từ văn học, phim ảnh, tư liệu từ chuyện kể tham gia trại. Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm thay đổi theo hướng thoáng hơn cho quan điểm khắt khe này.
Tham gia trại sáng tác của Hội Sân khấu TP HCM năm nay có 16 kịch bản, trong đó có kịch bản “Vịt chạy đồng” của tác giả Mỹ Trang (người đã chuyển thể thành công kịch bản “Chuyện của Điệp” – PV), cảm tác từ chất liệu văn học “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Như vậy, kịch bản cảm tác “Vịt chạy đồng” có được tham gia Trại sáng tác kịch bản năm 2023 của Hội Sân khấu TP HCM? Quan điểm hạn chế sự tham gia của kịch bản cảm tác, chuyển thể từ văn học, phim ảnh liệu có còn phù hợp?
Theo đạo diễn Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch thường trực Hội Sân khấu TP HCM, việc hạn chế kịch bản cảm tác là để thúc đẩy sự sáng tạo của tác giả, nếu cả trại sáng tác mà có quá nhiều kịch bản cảm tác từ chất liệu của người khác thì sẽ không ổn.
Nhà văn Bích Ngân cho rằng: “Chất liệu văn học hoặc từ những bài báo, bài thơ chính là ý tưởng giúp tác giả viết ra kịch bản sân khấu. Cụ thể, những kịch bản của tôi viết đều được khơi nguồn cảm xúc từ các tư liệu lịch sử, tác phẩm văn học, những tin tức thời sự trên mặt báo, truyền hình, do đó cần có sự thay đổi hợp lý hơn với tiêu chí không khuyến khích kịch bản cảm tác”.
Theo quan điểm của NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, quan trọng là việc tiếp nhận chất liệu để sáng tác, không thể bê nguyên xi câu chuyện từ văn học, phim ảnh thành kịch bản của mình. “Người viết phải xây dựng nhân vật trên cơ sở cảm nhận từ tiểu thuyết, truyện ngắn. Cảm tác từ một tác phẩm văn học, từ một bài báo hay nghe kể câu chuyện, qua đó tác giả khái quát thành một câu chuyện có đủ tuyến kịch, xung đột, hành động thì đó là sự sáng tạo” – NSND Trần Ngọc Giàu nhận định.
Trên thực tế, “Cánh đồng bất tận” đã từng được tác giả, đạo diễn Minh Nguyệt chuyển thể, lần này Mỹ Trang cảm tác để viết nên câu chuyện “Vịt chạy đồng” rất mới. Hoặc “Bí mật vườn Lệ Chi” của tác giả Hoàng Hữu Đản, đã từng cảm tác từ những bài nghiên cứu lịch sử của nhiều nhà sử học, để kể lại câu chuyện nghi án của nhân vật Nguyễn Trãi và từ kịch bản mang đậm chất thơ, NSƯT Thành Lộc đã dàn dựng thành tác phẩm sân khấu đỉnh cao, được bạn đọc Báo Người Lao Động bầu chọn Giải Mai Vàng năm 2007.
Sáng tác kịch bản vì khán giả
Các thành viên tham gia trại sáng tác của Hội Sân khấu TP HCM tại Đà Lạt đều cho rằng những trao đổi thẳng thắn sẽ giúp chất lượng kịch bản được nâng cao, khi hiểu rõ vai trò của việc cảm tác từ một nguồn chất liệu khác để hình thành kịch bản.
Tác giả Trần Văn Hưng, Chi hội trưởng Chi hội Sáng tác TP HCM, cho hay chi hội sẽ sớm soạn thảo quy định mới theo hướng thoáng hơn cho những kịch bản cảm tác được tham gia các trại sáng tác trong thời gian tới.
Các tác giả tham gia trại sáng tác tại Đà Lạt cũng tìm được tiếng nói chung trong việc sẽ cùng chung tay sáng tác những kịch bản chất lượng cao, bảo đảm tính định hướng và yếu tố giải trí, cốt lõi là phải chạm vào chiều sâu tình cảm cá nhân, gia đình, cùng những bức xúc nội tâm trong cuộc sống vốn nhiều biến động hiện nay, dù cho đó là câu chuyện được cảm tác từ chất liệu văn học hoặc từ những bài báo, phim ảnh, truyện ngắn.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng tác giả khi sáng tác kịch bản cần đặt câu hỏi sáng tác cho ai, viết cho đối tượng nào. Phải hiểu nhu cầu của người xem, để tránh viết kịch bản chung chung, không đáp ứng nhu cầu thực tế của khán giả, bởi họ chỉ muốn xem các tác phẩm phản ánh những điều cụ thể từ cuộc sống.
(CLV) – Sau loạt bài “Cải lương tuồng cổ “khát” kịch bản sử Việt” đăng trên Báo Người Lao Động từ ngày 20-2, phóng viên Báo Người Lao Động...
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.129231 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98774 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95571 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94009
Để lại một bình luận