NSƯT Thanh Sang: Khi bước lên sân khấu là cả một niềm đam mê

NSƯT Thanh Sang: Khi bước lên sân khấu là cả một niềm đam mê

22/04/2019
729 Lượt xem

(CLV) – Khi nhắc đến NSƯT Thanh Sang khán giả mộ điệu cải lương sẽ nghĩ ngay đến một chàng kép mang vẻ ngoài có chút lãng tử pha đậm nét u buồn như ẩn chứa điều gì đó rất bí ẩn. Cùng với giọng ca trầm buồn hơi khỏe khoắn ngân vang lồng lộng phong cách diễn xuất chững chạc đã tạo nên tên tuổi vang dội của ông cho đến tận ngày hôm nay. Mỗi khi nhắc đến ông những người đồng nghiệp, những thế hệ đàn em đàn cháu luôn dành cho ông một sự kính trọng và yêu quý

NSƯT Thanh Sang: Khi bước lên sân khấu là cả một niềm đam mê - Ảnh 1

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Sang lúc trẻ – Ảnh: Tư liệu

Nghệ sĩ Thanh Sang tên thật Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1943 tại xã Phước Hải, tỉnh Bà Rịa. Ông cùng với nữ nghệ sĩ cải lương Thanh Nga một thời được đánh giá là đôi uyên ương lý tưởng trên sân khấu.

Nghệ sĩ Thanh Sang lớn lên trong một gia đình ngư phủ, đi biển đánh cá từ năm 11 tuổi đến năm 17 tuổi. Do gia đình sống gần rạp cải lương Hải Lạc, ông bị cuốn hút theo nghề hát xướng. Ban đầu, ông thường nhại lại các giọng của các nghệ sĩ Thành Công, Chín Sớm, Út Trà Ôn rất giống, được bà con tán tưởng.

Năm 1960, đoàn cải lương Ngọc Kiều của bầu Hoàng Kinh, Ngọc Đáng đến Hải Lạc biểu diễn. Khi diễn vở “Chiều Đông Gió Lạnh Về”, ông thường được đưa vào thay thế khi các kép bị ốm. Bầu Hoàng Kinh thấy vậy mới đặt cho nghệ danh là Thanh Sang.

Năm 1962, Thanh Sang được bầu Hoàng Kinh cho thế Hùng Cường, vai Đông Nhật trong vở “Tuyết Phủ Chiều Đông”. Ông diễn thành công và từ đó thành một kép chánh trong đoàn Cải lương Ngọc Kiều.

Năm 1964 , ông chuyển về hát cho đoàn “Hoa Mùa Xuân”, sau đổi thành “Dạ Lý Hương”. Cũng trong năm này ông nhận Huy Chương Vàng Giải Thanh Tâm với vai Tạ Tốn trong vở “Cô gái Đồ Long”. Vai diễn Tạ Tốn trong vở này bị mù, nửa tỉnh nửa điên rất khó diễn song ông lại diễn rất hay, đến mức nhiều người nhắc đến ông bằng bốn chữ Kim Mao Sư Vương – danh hiệu của Tạ Tốn. Vai diễn đã đưa ông từ một anh chàng chài lưới, chưa qua trường lớp, trở thành một ngôi sao trong làng sân khấu.

NSƯT Thanh Sang: Khi bước lên sân khấu là cả một niềm đam mê - Ảnh 2

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Sang vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long, một trong những vai diễn để đời của ông – Ảnh: Tư liệu

Từ đó đến năm 1975, Thanh Sang còn thành công với nhiều vai khác như vai Trần Minh trong vở “Bên Cầu Dệt Lụa”, vai Thi Sách trong vở “Tiếng Trống Mê Linh”, vai Lê Hoàn trong vở “Thái Hậu Dương Vân Nga”.
Năm 1985, ông thôi hát ở các đoàn văn nghệ, chỉ thu băng đĩa và hát phục vụ khi có yêu cầu. Ba năm sau ông mới cùng đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang Paris biểu diễn

Không sở hữu một chất giọng ngọt ngào lãng mạn như những chàng kép khác nhưng đối riêng với nghệ sĩ Thanh Sang không bao giờ cho đó là một sự yếu thế của bản thân. Ngược lại đó còn là một sự lợi thế riêng biệt của ông, Giọng của ông đặc biệt đến lạ kỳ, mà chỉ cần ông cất lên một câu hát khán giả sẽ ồ lên mà nói “Đó chỉ có thể là giọng của nghệ sĩ Thanh Sang”. Không cần quá đỗi ngọt ngào nhưng vẫn mang đến cho khán giả muôn vàn cảm xúc.

Cách diễn xuất của ông vô cùng chững chạc không nửa vời. Với những vai diễn đòi hỏi diễn xuất nội tâm nhiều thì nghệ sĩ Thanh Sang đều diễn rất tốt. Cứ bước lên là vô ngay vai diễn không cần chờ đợi hay thúc giục. Nhưng vẫn đủ đầy và hoàn hảo với khán giả.

Mỗi khi bước lên sân khấu đối với ông đó là một niềm đam mê một niềm hạnh phúc lớn lao. Ông nắm bắt được vai diễn say mê diễn và dìu dắt bạn diễn của mình một cách từ tốn nhẹ nhàng.

NSƯT Thanh Sang: Khi bước lên sân khấu là cả một niềm đam mê - Ảnh 3

NSƯT Thanh Sang và NSƯT Thanh Thanh Tâm

Nghệ sĩ Thanh Sang bản thân không cởi mở ngay từ đầu. Mặt ông trông khó đăm đăm và lành lạnh, chẳng nhìn người đối diện. Ai mới làm quen sẽ ngạc nhiên và dễ bật ra. Nhưng khi đã quen rồi mới thấy ông nói nhiều, nói thẳng và chân tình. Ông nổi tiếng trong làng cải lương vì khí chất cứng rắn, bướng bỉnh, không sợ mích lòng. Vì vậy, ông buông một câu: “Tôi không có bạn thân. Mấy chục năm đi hát, người tôi gần gũi nhất chỉ có anh Nam Hùng”.

Cho nên, khi ông nghỉ hát, hầu như chẳng có ai tới lui ngoài mấy ông bạn nhậu ngoài nghề. Thanh Sang cũng chẳng buồn, ông còn cười tỉnh bơ: “Tôi xấu lắm, không ai chơi được đâu!”. Nói vậy mà miệng lại hỏi thăm sức khỏe người này, người kia. Hỏi Thanh Tú ra sao rồi, sau tai biến não đã đi đứng được chưa. Hỏi Diệu Hiền bị gai cột sống thì qua ông chỉ cho cách tập luyện theo Thiếu Lâm tự, vài tuần là hết đau. Bên trong con người ông dường như vẫn có một Trần Minh nồng nàn tình cảm nhưng không thích biểu lộ mà thôi.

Trở lại với vai diễn Tạ Tốn mà nghệ sĩ Thanh Sang đã diễn. Thanh Sang nhận được Huy Chương Vàng giải Thanh Tâm năm 1964. Năm đó, đoàn cải lương Dạ Lý Hương hát vở Cô Gái Đồ Long, cố nghệ sĩ Tấn Tài thủ vai Trương Vô Kỵ, Bạch Tuyết vai Triệu Minh quận chúa, Út Hiền vai Trương Thúy Sơn, Ngọc Giàu vai Ân Tố Tố, Thanh Sang vai Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn.

NSƯT Thanh Sang: Khi bước lên sân khấu là cả một niềm đam mê - Ảnh 4

NSƯT Thanh Sang và nghệ sĩ Phượng Liên trong hậu trường rạp Hưng Đạo khi ông chuẩn bị diễn vai Tạ Tốn trong vở “Cô gái Đồ Long

Nghệ sĩ Thanh Sang lúc ấy mới 20 tuổi mà phải thủ diễn một nhân vật lão mù, trên năm mươi tuổi, lại đang trong tâm trạng nửa tỉnh nửa điên. Nghệ sĩ rất sợ phải thủ diễn một nhân vật mù. Đôi mắt của nghệ sĩ là một loại vũ khí sắc bén giúp cho diễn viên chinh phục khán giả trên sân khấu, cái liếc mắt đưa tình, liếc mắt căm hờn, liếc mắt nghi ngờ, đôi mắt ngạc nhiên, đôi mắt bối rối… đôi mắt diễn đạt nhanh hơn và hiệu quả hơn cả lời nói, lời ca.

Diễn một nhân vật mù thì đã mất hết cái lợi thế của đôi mắt nên rất khó diễn. Nhưng Thanh Sang lại diễn nhân vật Tạ Tốn mù rất hay, ông được thưởng Huy Chương Vàng giải Thanh Tâm nhờ vai tuồng này. .Chỉ sau bốn năm theo nghề hát, Thanh Sang, một chàng trai chài lưới, chưa qua trường lớp nào của sân khấu đã trở thành một ngôi sao cải lương với Huy Chương Vàng giải Thanh Tâm.

Về nghệ thuật, nghệ sĩ Thanh Sang biết kếp hợp nhuần nhuyển giữa ca và diễn, biết khai thác ưu thế diễn xuất của mình để giọng ca trầm thêm tác dụng trong các vai lão. Ông luôn tha thiết với sân khấu, sẵn sàng giúp bạn diễn và là người có kỷ luật, không bao giờ trễ giờ tập tuồng, không trễ giờ hát, nổi tiếng là một nghệ sĩ biết giữ chữ tín trong giới sân khấu.

NSƯT Thanh Sang: Khi bước lên sân khấu là cả một niềm đam mê - Ảnh 5

Thanh Sang, Thanh Nga trong vở Tiếng trống Mê Linh – Ảnh: tư liệu

Tuy lạnh lùng khó gần là vậy nhưng đối với những đàn em đàn cháu ông luôn nhiệt tình giúp đỡ, bảo vệ cho họ lúc mới chập chững bước vào nghề. Có nhiều nghệ sĩ còn nhắc vui ” Anh Sang hễ mà bảo nói gì phải nói làm gì phải làm, không là ” Tao đập mày chết ”

Tuy bệnh tật đè nặng lên thân thể nhưng điều khó không làm cho ông cảm thấy bế tắc để giã từ sân khấu. Với ông sân khấu là cả cuộc đời ông dù có chết trên sân khấu ông cũng cảm thấy hạnh phúc.

Liên lạc với ông vẫn là nụ cười trầm ấm đặc trưng, ông tươi cười nói “Bây giờ lớn tuổi rồi bệnh tật cũng ngày một nặng nhưng ông vẫn muốn được bước lên sân khấu gặp mặt tất cả khán giả quý vị khán giả đã yêu thương và ủng hộ ông suốt mấy chục năm qua”. Bản thân tôi rất trân trọng những câu nói này của ông, một người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sân khấu cải lương

Dù nay đã quy ẩn nhưng tin tức về sân khấu ông vẫn biết và luôn theo dõi những thế hệ sau đã và đang làm những gì để giữ lửa cho bộ môn nghệ thuật cải lương. Với ông có lẽ không gì vui bằng khi nhìn những thế hệ nối tiếp mình trưởng thành và tâm huyết với sân khấu cải lương. Biết đâu trong thời gian tới, khán giả sẽ được gặp lại ông, một vị tướng lạnh lùng nhưng ấm áp trên sân khấu.


Đám cưới đầy nước mắt của con trai cố NSƯT Thanh Sang

Ngày 25-7, lễ cưới của con trai NSƯT Thanh Sang đã diễn ra tại TP HCM. Cô dâu chính là điều dưỡng viên túc trực chăm sóc cho ông...

Đồng nghiệp thương tiếc NSƯT Thanh Sang

Thông tin NSƯT Thanh Sang qua đời làm cho những nghệ sĩ đồng nghiệp vô cùng xúc động. Lễ tẩn liệm đã được tiến hành tại tư gia. Lễ...

Hàng ngàn khán giả tiễn biệt NSƯT Thanh Sang

Sáng 25-4, đông đảo khán giả đã đến Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương – nơi an táng NSƯT Thanh Sang để thắp hương và đặt lên quan tài...

Đánh giá bài viết

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *