Thiếu soạn giả sân khấu cải lương
Những khó khăn của sân khấu cải lương trong xu thế phát triển chung của thị trường phát triển văn hóa nghệ thuật và giải trí đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động làm nghề của soạn giả sân khấu.
Ngày càng hiếm hoi tác giả, soạn giả cải lương tài năng, thiếu những tác phẩm hay, chất lượng…
Tiếc nuối thời vàng son
Nhớ thời huy hoàng của sân khấu cải lương, rất nhiều soạn giả tuồng nổi tiếng được các đoàn hát trọng vọng, để đời bằng chính tài năng gắn liền với những tác phẩm sân khấu kinh điển. Nhớ về giai đoạn hoàng kim ấy, nghệ sĩ và cả khán giả mộ điệu bao thế hệ vẫn luôn nhắc đến với tâm thế ngưỡng mộ những tên tuổi tác giả, soạn giả như Năm Châu, Hà Triều, Hoa Phượng, Bảy Cao, Thế Châu, Thiếu Linh, Yên Lang, Nguyên Thảo, Mộc Linh, Kiên Giang, Thu An, Viễn Châu, Loan Thảo, Quy Sắc, Thạch Tuyền, Trần Hà, Trần Hữu Trang, Yên Ba…
Dù rằng, trước khi tạo được tên tuổi, trước lúc tác phẩm được vinh danh, các soạn giả sân khấu cải lương xưa cũng gặp không ít khó khăn, vất vả, gian nan để trụ được với nghề. Một vở tuồng được soạn giả đau đáu cả một thời gian dài mới hoàn thành, rồi đợi các ông “bầu” ưng ý mới dựng, còn không thì tác phẩm đành cất tủ.
Với sân khấu cải lương, soạn giả luôn được xem là “linh hồn” của đoàn hát, mà thời điểm sân khấu hoàng kim có đến hàng chục đoàn hát hoạt động, nên vai trò của soạn giả rất quan trọng. Tác phẩm của từng soạn giả cũng mang tính cạnh tranh cao về chất lượng, phong cách đặc trưng. Chính nhờ những tác phẩm kinh điển đã giúp các đoàn hát gầy dựng thương hiệu, tạo phong cách trình diễn riêng. Các vở diễn và vai diễn, với rất nhiều nhân vật ra đời được soạn giả “đo ni đóng giày” cho nghệ sĩ, giúp họ nổi tiếng và sống khỏe với nghề ca diễn.
Nhưng, giai đoạn sân khấu cải lương sáng đèn hàng đêm đã thay đổi theo thời thế. Các đoàn hát lần lượt tan rã, sân khấu chuyên phục vụ cải lương mất dần, xuống cấp, thay đổi công năng, nghệ sĩ thế hệ vàng cao tuổi và mất đi không ít, nhiều nghệ sĩ tìm đường sinh sống và phát triển ở nước ngoài, trong khi thế hệ trẻ kế thừa của sân khấu truyền thống lại mỏng, yếu, thiếu, đặc biệt là đội ngũ sáng tác ngày một thu hẹp về số lượng. Tất cả những nguyên nhân trên đã níu bước phát triển của sân khấu.
Đào tạo tác giả sân khấu mới
NSƯT Trần Minh Ngọc, thành viên Hội đồng nghệ thuật của Sở VH-TT TPHCM nhận định: “Nền sân khấu phát triển hay không trước hết là phải có đội ngũ sáng tác tài năng, khi có kịch bản chất lượng mới có chất liệu tốt cho đạo diễn, có nhân vật cho diễn viên thăng hoa, có tác phẩm hay đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Nhưng, tình hình sân khấu cải lương hôm nay rất đáng lo ngại.
Những người am hiểu cải lương ngày càng già đi, tuổi cao không còn đủ lực để viết, mà lớp trẻ lại không hiểu biết về cải lương, vì vậy các tác giả hiện nay thường chuyển thể từ kịch nói sang cải lương hơn. Nhưng như vậy chỉ mới tạm thời đáp ứng một khía cạnh cải lương xã hội, còn cải lương lịch sử thì thiếu vắng nhiều”.
Đội ngũ trẻ hiếm hoi tay viết tài năng, có chuyên môn, hiểu sâu về cải lương, nắm chắc các bài bản ca cổ, có kiến thức văn học, lịch sử nên dù vẫn có những tác phẩm sân khấu mới, nhưng chất lượng chưa cao. Ngay tại Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc năm 2018, cũng chỉ có vài tác phẩm mới ra mắt, phần lớn chỉ được giới chuyên môn đánh giá ở mức trung bình.
Những năm qua, Hội Sân khấu TPHCM cũng nỗ lực tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, bồi dưỡng thêm kiến thức âm nhạc cho các tác giả trẻ thích sáng tác cải lương nâng cao kiến thức, thực hiện các đợt thực tế sáng tác để các tác giả có thêm chất liệu cho tác phẩm mới, nhưng cũng chỉ là một hoạt động góp sức, chưa thể là lời giải cuối cùng cho bài toán khó về việc thiếu hụt trầm trọng đội ngũ sáng tạo và kịch bản sân khấu chất lượng.
NSƯT Ca Lê Hồng trăn trở: “Những người viết cải lương phải được đào tạo bài bản, phải hiểu biết sâu sắc về cải lương, nắm chắc được tính chất bài bản cải lương, từ Bắc, Nam, oán, vọng cổ… để sáng tạo hợp lý những tình huống của kịch bản. Song song với việc đào tạo đội ngũ tác giả trẻ, cũng cần rà soát lại những tác giả tên tuổi, kỳ cựu, tạo điều kiện để họ sáng tác, tạo đầu ra cho tác phẩm.
Cần có trường đào tạo người viết kịch bản. Ngoài ra, cần đào tạo một đội ngũ đạo diễn và diễn viên giỏi nghề và tâm huyết. Nói tóm lại, cần phải có sự đầu tư đồng bộ từ kịch bản, đội ngũ sáng tác cải lương, đạo diễn giỏi nghề, diễn viên chuyên nghiệp, phải đầu tư cho sân khấu cải lương để loại hình nghệ thuật này tiếp tục duy trì, phát triển lâu dài”.
THÚY BÌNH
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.134031 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98820 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95627 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94072
Để lại một bình luận