Xem vở “Khách sạn Hào Hoa”: Mê đắm chất trữ tình của cải lương

Xem vở “Khách sạn Hào Hoa”: Mê đắm chất trữ tình của cải lương

04/12/2023
776 Lượt xem

(CLV) – Tối 3-12, Nhà hát Trần Hữu Trang đã ra mắt vở cải lương kinh điển “Khách sạn Hào Hoa” (tác giả Vũ Kim, Điêu Huyền, Trần Hà, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu).

Xem vở Khách sạn Hào Hoa Mê đắm chất trữ tình của cải lương- Ảnh 1.

Bộ ba diễn viên tạo được ấn tượng đẹp: Võ Minh Lâm, Thu Vân, Nguyễn Văn Khởi trong vở “Khách sạn Hào Hoa”

Đây là một trong những kịch bản đã tạo được sức hút mãnh liệt đối với khán giả đã từng yêu thích sân khấu cải lương. Vở diễn được dàn dựng nhằm mục đích quảng bá những diễn viên đã đoạt HCV giải Trần Hữu Trang qua hai đợt tổ chức tại TP HCM và được nâng cấp là giải thưởng quốc gia.

Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, cải lương đã có những biến cải để tạo được cảm tình trong lòng khách mộ điệu, từ nội dung cho đến hình thức dàn dựng. Những kịch bản cải lương kinh điển vẫn còn sống mãi trong lòng công chúng.

Xem vở Khách sạn Hào Hoa Mê đắm chất trữ tình của cải lương- Ảnh 2.

Từ trái sang: NSƯT Võ Minh Lâm, NSƯT Thu Vân, nghệ sĩ Nguyễn Văn Khởi trong vở “Khách sạn Hào Hoa”

Vở diễn từng gây cơn sốt vé “chợ đen”

Điều xúc động nhất là những lời thoại, câu ca vẫn đầy ấp kỷ niệm đẹp mà khán giả đã từng dành nhiều tình cảm cho vở diễn này. Nhất là gợi nhớ một thời vàng son của sàn diễn cải lương với những nghệ sĩ tài danh trên sân khấu Đoàn Sài Gòn 2 như: Mỹ Châu, Thanh Tuấn, Giang Châu, Tô Kiều Lan, Ngọc Bích, Hồng Nga, Diệp Lang, Tư Rợm, Văn Chung…đã tạo dấu ấn khó phai mờ về một vở cải lương thuộc đề tài chính trị vốn khô khan nhưng lại được thể hiện hết sức trữ tình.

Vở “Khách sạn Hào Hoa” của Sài Gòn 2 một thời là vở gây cơn sốt vé “chợ đen”, mỗi khi thương hiệu này trụ lại các rạp như: Thủ Đô, Hào Huê, Cây Gõ, Gia Định, Lao Động A, Kim Châu, Hưng Đạo…Còn biểu diễn tại các sân bãi thì hàng ngàn khán giả đã đến xem, dù có nơi bán cả “vé đứng” bởi hết ghế ngồi.

Xem vở Khách sạn Hào Hoa Mê đắm chất trữ tình của cải lương- Ảnh 3.

NSƯT Thu Vân (vai Hiếu) và Nghệ sĩ Thy Phương (bà Ánh Nguyệt) trong vở “Khách sạn Hào Hoa”

Vở diễn công bố “dây đờn Mỹ Châu”

NSƯT Mỹ Châu đã từng hóa thân thành công trong vai Hiếu, một cô tiếp viên nhà hàng sang trọng của Sài Gòn thời đó. Vai diễn mang lại cho bà một kỷ niệm khó quên bởi từ nhân vật này, cách ca diễn quý phái của bà còn hình thành nên một lối ca vọng cổ độc đáo.

NSƯT Hoàng Thành (tên thật là Lê Văn Thuận), người nhạc sĩ tài hoa đã tạo ra lối rao đờn mùi mẫn khi vào bài vọng cổ khi làm trưởng ban nhạc Ðoàn Cải lương tập thể Sài Gòn 2 và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ông để lại ấn tượng qua các vở tuồng: “Tìm lại cuộc đời”, “Tiếng hò sông Hậu”, “Khách sạn Hào Hoa”…

Độc đáo hơn là nhạc sĩ Hoàng Thành hạ thấp dây đờn xuống một cung, ông nghiên cứu lấy thanh gỗ chặn dây đờn để nhấn nhá chữ đờn từ “hò – đô” lên “hò – la” hợp với chất giọng của NSƯT Mỹ Châu.

Không ngờ, sự sáng tạo này đã đem lại thành công, yểm trợ đắc lực cho giọng ca trầm buồn của NSƯT Mỹ Châu. Từ đó, người trong nghề gọi sáng chế này là “dây đờn Mỹ Châu”. Và vai Hiếu cũng như vai Lan (vở “Tìm lại cuộc đời”) đã đi vào huyền thoại sân khấu cải lương – nơi cho ra đời cách thể hiện bài vọng cổ với dây đờn và cách ca đầy sáng tạo.

Xem vở Khách sạn Hào Hoa Mê đắm chất trữ tình của cải lương- Ảnh 4.

NSƯT Thu Vân và nghệ sĩ Hà Như trong vở “Khách sạn Hào Hoa”

Phiên bản mới nâng tầm diễn viên trẻ

Và với bản dựng mới, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu đã bố cục các tình huống thật đẹp tạo sự hấp dẫn đối với khán giả hôm nay. Các diễn viên trẻ như: NSƯT Thu Vân, NSƯT Võ Minh Lâm, nghệ sĩ Nguyễn Văn Khởi, Diễm Thanh, Cao Mỹ Châu, Hà Như, Võ Hoài Long, Thy Phương, Nguyễn Thanh Toàn, Nhật Thanh, Minh Hoàng, Trọng Hiếu, Lương Minh Thông…đã mang lại nhiều cảm xúc qua các.vai diễn.

Vở “Khách sạn Hào Hoa” được viết dựa trên một câu chuyện có thật trong chiến tranh của lực lượng biệt động trong lòng Sài Gòn. Một cô Việt cộng nằm vùng tên Hiếu, nhận lệnh của tổ chức đặt chất nổ ở một khách sạn lớn nhất Sài Gòn (đánh bom khách sạn Caravelle vào ngày 25-8-1964). Nhiệm vụ này có sự tiếp sức của nhiều người, trong đó có những chiến sĩ biệt động thay đổi tên tuổi, thân phận đương đầu trong nguy hiểm nhưng vẫn không bị khuất phục.

Các nghệ sĩ đoạt HCV Trần Hữu Trang đã hóa thân trọn vẹn vào các nhân vật, khắc họa được hình ảnh của người cách mạng kiên trung nhưng không kém phần lãng mạn, trữ tình, bởi những câu ca đầy chất văn học, làm xao xuyến khán giả.


Đánh giá bài viết
Nguồn bài viết: Người Lao Động

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *