Chinh phục khán giả bằng những chứng nhân lịch sử cải lương
(CLV) – Tối 13 – 14.1, chương trình biểu diễn và tôn vinh 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương do UBND TP.HCM chỉ đạo, Sở VH-TT TP.HCM phối hợp cùng Công ty CP Báo Thanh Niên tổ chức thực hiện (Báo Thanh Niên bảo trợ truyền thông), sẽ diễn ra tại quảng trường phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM.
Đây là chương trình “đinh” của chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương (1918 – 2018) diễn ra tại TP.HCM từ 17.12.2018 – 14.1.2019. Chương trình do soạn giả Hoàng Song Việt viết kịch bản và tổng đạo diễn là NSƯT Hoa Hạ (truyền hình trực tiếp từ 19 giờ 30 ngày 13.1 trên HTV9). PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ (ảnh) trước giờ khai diễn.
Chương trình thực sự hoành tráng khi có sự góp mặt của hơn 400 nghệ sĩ và nhạc công, từ các thế hệ tiền bối như Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tuấn, Lê Thiện, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Trường Sơn, Thanh Loan, Ngọc Giàu, Hồng Nga… đến các nghệ sĩ trẻ. Tinh thần của các thế hệ nghệ sĩ tham gia như thế nào, thưa chị?
Lâu lắm rồi mới có cuộc “tổng động viên” anh em nghệ sĩ cải lương gồm 4 – 5 thế hệ hội tụ như thế này. Nhiều nghệ sĩ hiện cũng đã trên 70 tuổi, sức khỏe thì lúc khỏe lúc không, bài vở họ hát toàn bộ đều là bài mới. Việc tập dượt, thu âm phải nói là rất khó khăn; nhưng tinh thần tham gia thì rất tuyệt vời. Tôi luôn lo và cố gắng làm sao giữ được thanh xuân trong giọng hát và sức biểu diễn của các anh chị. Vì bảo vệ sức khỏe cho các nghệ sĩ lão thành và hiệu quả chất lượng âm thanh truyền hình trực tiếp, nên ở tiết mục đầu và kết với những bài hát mới, tôi buộc phải cho thu âm. Tôi đã xin ý kiến lãnh đạo cấp trên và tôi cũng không thích gian dối khán giả. Trong tập dượt, thu âm, tôi nhận thấy chất lượng giọng hát của họ còn rất cao. Điều đó rất mừng. Các tiết mục còn lại, tôi cam đoan dàn nhạc và nghệ sĩ hoàn toàn biểu diễn sống. Tất cả 400 anh chị em nghệ sĩ, hậu đài đều tham gia với tâm nguyện trả ơn Tổ nghiệp, điều đó khiến tôi vô cùng xúc động.
Để quy tụ được nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn trong một chương trình, có khó khăn đối với chị?
Quá khó khăn. Tôi không biết nếu không phải là tôi thì các đạo diễn khác có làm được không, vì tôi là người đã dày dạn kinh nghiệm làm các sân khấu lễ hội với 500 – 2.000 nghệ sĩ, cũng đã quen rồi, biết cách để làm. Bởi hiện nay tất cả các nguồn lực diễn viên đều là tự do hết. Nếu không cùng một tâm thế, tư tưởng, không cùng một lòng yêu nghề tha thiết như vậy thì sẽ không hội tụ với nhau được. Tôi cũng mong sau chương trình này, lãnh đạo TP.HCM thấy được tổng lực của cải lương của TP.HCM là rất lớn. Nếu được thì mỗi năm nên làm một lần. Bởi có được sự hội tụ thì mới có sức mạnh để phát triển sân khấu cải lương.
Chị sẽ dụng công làm một chương trình như thế nào để chinh phục công chúng?
Điều tôi tâm đắc nhất là chương trình được diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, nơi các bạn trẻ khắp nơi đến vui chơi, giải trí. Cải lương đem ra đó ngay trong dịp kỷ niệm 100 năm cải lương là trở về đúng với nguồn cội xuất phát từ nhân dân mà ra. Khán giả trẻ là lực lượng công chúng mà nghệ thuật cải lương ngày hôm nay rất cần. Chính vì vậy, tôi cố gắng hết sức làm một chương trình để thu hút lượng khán giả trẻ đến xem, để tôi có thể đo lường được sự yêu thích của họ dành cho cải lương như thế nào, để nắm được phương hướng mà phát triển, hoạt động, có như thế mới lôi kéo được khán giả trẻ đến xem, giúp cho cải lương sống khỏe mạnh.
Trong chương trình có phần nội dung dàn dựng hay tiết mục nào mà chị tin sẽ chiếm được cảm xúc của người xem?
Cả một lịch sử 100 năm cải lương, chúng tôi đều phải sơ lược lại và điều này quả là rất khó làm hay, vì phải điểm qua rất nhiều thời điểm với đủ tên tuổi nghệ nhân, nghệ sĩ lão thành. Nếu chương trình cứ đọc như vậy thì sẽ không có dấu ấn với khán giả. Chính vì vậy tôi phải suy nghĩ để chọn ra thủ pháp đạo diễn riêng của tôi, đó là trong tất cả những lời bình, tôi phải dàn dựng từ hình ảnh phát màn hình lẫn hình thức sân khấu thể hiện đều phải mang lại ấn tượng. Tức là người ta nghe, nhìn, và sẽ nhớ. Không chỉ có MC chuyên nghiệp mà MC còn là nghệ sĩ và cũng chính là nhân chứng lịch sử của từng thời, dấu mốc cải lương được nói đến trong lời bình. Ví dụ trong lời bình về giai đoạn văn công giải phóng thì có nghệ sĩ Trọng Hữu, Hoàng Trung; phần Lấp sông Gianh nói về vụ tấn công ở rạp hát bằng lựu đạn khiến nhiều văn nghệ sĩ đang diễn bị thương vong vào năm 1955 thì có nghệ sĩ Thiên Kim là nhân chứng lịch sử thật. Rồi giai đoạn 1978, NSƯT Thanh Nga ngã xuống sau khi diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga thì nghệ sĩ Lê Thiện là nhân chứng thật đưa khán giả đi vào câu chuyện. Tôi muốn đưa sự chân thật vào trong một chương trình sân khấu, nhằm đem lại xúc cảm, rung động thật sự cho khán giả, và sự linh thiêng trong chương trình 100 năm đối với tất cả những người làm nghề như chúng tôi.
Chị sẽ nhấn vào trích đoạn biểu diễn nào trên sân khấu nhằm toát lên vẻ đẹp của cải lương, để đến gần hơn với khán giả?
Mạch trích đoạn mạnh nhất tôi muốn gửi gắm đến khán giả là 8 trích đoạn của 8 đơn vị xã hội hóa, bởi họ chính là lực lượng chủ lực giúp sân khấu cải lương tại TP.HCM sáng đèn. Chính những nhà quản lý giỏi nghề hiện nay phải nhìn ra để hỗ trợ họ, và giúp họ chính là giúp cho sân khấu cải lương tồn tại.
Với một chương trình xã hội hóa kêu gọi nhà tài trợ thì có bao nhiêu làm bấy nhiêu. Tất cả được làm với quy mô hoành tráng, ai cũng lấy cát sê với tinh thần tự nguyện, cống hiến, yêu TP.HCM và tôi thỏa lòng với chương trình này.
Là tác giả được mời viết ca khúc chủ đề cho chương trình 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương, nhạc sĩ Đức Trí vừa hoàn thành bản nhạc Cải lương bách niên để chuẩn bị trình diễn trong sự kiện ngày 13.1 bởi nhiều nghệ sĩ từng đoạt các giải thưởng về cải lương và đang được yêu mến hiện nay.
Chia sẻ với Thanh Niên, nhạc sĩ cho biết: “Chương trình tôn vinh 100 năm sân khấu cải lương, song vì diễn ra trên phố đi bộ Nguyễn Huệ nên ít nhiều sẽ mang không khí lễ hội. Đó cũng là buổi biểu diễn để đông đảo khán giả có thể gặp lại được những nghệ sĩ mà mình mến mộ xưa nay. Do đó, Cải lương bách niên mà tôi sáng tác vừa có tính chất của lễ hội mà vẫn được viết theo lối cổ nhạc. Tác phẩm thể hiện sự tri ân những người sáng tạo ra nghệ thuật cải lương nói riêng cũng như nền cổ nhạc dân tộc, hay nói cách khác là nền quốc nhạc. Như tôi viết trong bản nhạc: Hậu sinh chúng con, đồng tâm lễ tạ, những bậc cao nhân tiền hiền, khởi sinh tinh hoa quốc nhạc, hậu thế mãi mãi lưu truyền… Vạn vật sinh rồi sẽ thác, nghệ thuật ra đời, vạn kỷ mãi tồn vinh”.
Nguyên Vân (ghi)
Phan Cao Tùng
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.126617 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98752 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95541 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.93973
Trả lời