Danh ca “vọng cổ hài” Văn Hường qua đời
(CLV) – Ông là nhân chứng sống của thể điệu “vọng cổ hài” khi mà soạn giả NSND Viễn Châu dựa theo lối ca của ông để cho ra đời hàng ngàn bài vọng cổ, đi vào đời sống sân khấu cải lương
Theo tin từ gia đình, nghệ sĩ Văn Hường (tên thật là Nguyễn Văn Hường), sinh năm 1934 tại Mỹ Thành, Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức (nay là phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP HCM) đã trút hơi thở cuối cùng lúc 19 giờ ngày 7-12, thọ 90 tuổi.
Ông nhập viện điều trị xuất huyết não cách đây hơn 10 ngày và mất tại BV Nhân dân Gia Định
Ông bị bệnh già, được các con chăm sóc tại nhà riêng trong suốt thời gian qua.
Năm 15 tuổi, nghệ sĩ Văn Hường bán hạt dưa ở rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM).
Cũng giống như nhiều nghệ sĩ thời đó, từ một khán giả có năng khiếu ca hát, ông dấn thân vào sân khấu cải lương với mơ ước được làm kép chánh.
Đó là giai đoạn quán Lệ Liễu nằm gần khu vực cầu Thị Nghè (thập niên 1960-1970) ra đời, trở thành điểm hẹn của người yêu thích ca cổ ở Sài Gòn – TP HCM thời đó.
Nghệ sĩ Văn Hường đã lân la đến quán này để được lên sân khấu ca vọng cổ. Nghệ sĩ Lệ Liễu phát hiện anh thanh niên bán hột dưa ca quá hay nên khoe với nhiều bạn tại quán.
Tình cờ, ông Bảy Cao – bầu gánh hát Hoa Sen – đến xem, nghe Văn Hường ca, thấy thích nên gọi nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp khác đến cùng nghe để nhận xét, trong đó có soạn giả Viễn Châu.
Theo lời tâm sự của soạn giả Viễn Châu lúc ông còn sống, chính quan điểm “tại sao bài vọng cổ có thể làm khán giả khóc mà không thể làm khán giả cười” mà soạn giả Viễn Châu đã chế tác ra thể điệu vọng cổ hài để từ cách ca, nội dung bài hát mang tính châm biếm thói hư, tật xấu.
Từ cơ duyên đó, soạn giả Viễn Châu sáng tác vọng cổ hài, khởi nguồn cho trào lưu này đầu thập niên 1960. Người thể hiện bài “Tư Ếch đi Sài Gòn” đầu tiên chính là nghệ sĩ Văn Hường.
Ông nổi danh như diều gặp gió. Năm 1972, ông hợp tác với ”vua” ngâm thơ Tao Đàn – cố nghệ sĩ Thanh Hải lập đoàn hát riêng mang tên “Thanh Hải – Văn Hường”.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông về cộng tác với Đoàn Cải lương tập thể Thống Nhất (Tây Ninh), rồi về Đoàn Cải lương Sống Chung (Phước Chung).
Năm 1987, do tuổi cao, ông từ giã sân khấu, về mở quán đờn ca tài tử Văn Hường tại phường Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức.
Hãng dĩa Việt Nam của bà Sáu Liên là nơi lưu trữ nhiều dĩa vọng cổ hài mà nghệ sĩ Văn Hường thể hiện.
Sau thành công với việc thu âm 230 bài vọng cổ hài giai đoạn 1960-1970, thấy thị trường ưa chuộng thể điệu này, một số soạn giả khác đã bắt đầu sáng tác. Chính nghệ sĩ Văn Hường đã thu thêm khoảng 200 bài của nhiều cây bút sáng tác khác.
Đó là giai đoạn khán thính giả thích nghe bài vọng cổ hài vì nó đi theo trào lưu gửi gắm sự lạc quan, lên án cái xấu, tiêu cực qua từng câu vọng cổ.
Điều đáng quý hơn là từ nền tảng đó, nhiều nghệ sĩ đã biểu diễn vọng cổ hài, chọn thể loại này làm sở trường như: NSND Giang Châu, NSƯT Phú Quý, nghệ sĩ Hề Sa, Văn Chí Mỹ, Linh Trung, Dũng Nhí…
Nghệ sĩ Văn Hường luôn kỳ vọng sẽ có nhà tài trợ tập hợp một tuyển tập “Vọng cổ hài”, Hội Sân khấu TP HCM tổ chức tọa đàm, hội thảo đánh dấu bước ngoặt 75 năm ra đời và tồn tại của thể điệu này để từ đó thúc đẩy giới sáng tác trẻ viết và yêu thích vọng cổ hài.
Sau đó tổ chức cuộc thi riêng cho người yêu thích vọng cổ hài và quảng bá, tiếp tục làm cho thể loại này lan tỏa.
Giai đoạn thành danh đã thôi thúc ông tập sáng tác. Đó là giai đoạn trên sân khấu Đoàn Cải lương Kim Chung rồi sau này lập gánh với anh nghệ sĩ Thanh Hải, ông đã sáng tác nhiều bài ca cổ hài và kịch bản cải lương hài.
Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông đã thể hiện nhiều bài vọng cổ hài nổi tiếng như: “Ba ông thầy bói”, “Chó mực đầu cáo”, “Đời là gì?”, “Đi hát cải lương”, “Hiệp sĩ say giải nghệ”, “Kể tuồng sân khấu”, “Khúc nhạc đồng quê”, “Làm vua buồn lắm”, “Rapport táo quân”, “Tai nạn Honda”, “Tại tôi tuổi Sửu”, “Tào Tháo cháy râu”, “Tiền bạc, bạc tiền”, “Tư Ếch đi chợ”, “Tôi đi hớt tóc”, “Tôi thua số đuôi”, “Tư ếch đi hội chợ”, “Tư Ếch”, “Ba Râu đi xem đại nhạc hội”, “Tứ đổ tường”, “Tư Ếch đại chiến Văn Hường”, “Văn Hường đi Suzuki”, “Văn Hường đội sổ về trời”, “Văn Hường mê số đề”, “Văn Hường năm vợ”, “Vợ tôi đi coi bói”, “Vợ tôi mê tân nhạc”, “Vợ tôi nói tiếng Tây”, “Vợ tôi tôi sợ”…
Cách đây không lâu, chương trình “Mai Vàng nhân ái” do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm ông.
Danh ca đã ca tặng đoàn bài “Tư Ếch đi Sài Gòn”. Sự ra đi của một danh ca làm rạng danh bài “Vọng cổ hài” đã để lại nhiều tiếc thương cho giới sân khấu và khán thính giả mộ điệu.
Tang lễ của nghệ sĩ Văn Hường được tổ chức tại nhà riêng ở TP Thủ Đức, lễ nhập quan 6 giờ ngày 8-12, lễ động quan lúc 8 giờ ngày 11-12, sau đó hỏa táng tại nghĩa trang Phúc An Viên TP Thủ Đức.
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.135310 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98832 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95650 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94095
Để lại một bình luận