Hình tượng An Tư công chúa trên sân khấu cải lương

Hình tượng An Tư công chúa trên sân khấu cải lương

24/07/2023
608 Lượt xem

(CLV) – “Vì nghĩa nước non” là vở diễn mới nhất vừa được Nhà hát Cải lương Việt Nam công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tái hiện tấm gương vì nước quên thân của công chúa An Tư thời nhà Trần, vở diễn không chỉ làm sống dậy một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn gửi đi những thông điệp sâu sắc về lòng yêu nước, đức hy sinh.

Hình tượng An Tư công chúa trên sân khấu cải lương - Ảnh 1

Cảnh trong vở “Vì nghĩa nước non”.

“Vì nghĩa nước non” được Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn dựa trên kịch bản của tác giả Trần Hồng Vân; chuyển thể cải lương: Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Chi; âm nhạc: Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Anh Tú; Biên đạo múa: Nghệ sĩ Ưu tú Trần Thanh Nam; thiết kế sân khấu: Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hoàng Phong. Nội dung vở diễn tập trung khai thác giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời công chúa An Tư – em gái Vua Trần Thánh Tông và là cô ruột của Vua Trần Nhân Tông.

Vào tháng Giêng năm 1285, đội quân Nguyên hùng mạnh do tên tướng Thoát Hoan chỉ huy tràn vào xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Trước thế giặc hung hãn, trong tình thế vô cùng cấp bách, triều đình nhà Trần buộc phải tìm kế hoãn binh nhằm có thêm thời gian củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu. Để cứu đất nước khỏi thế nguy nan, công chúa An Tư đã sẵn sàng hy sinh, gạt tình riêng, tình nguyện vào trại giặc, chấp nhận làm thiếp của Thoát Hoan để tìm hiểu nội tình quân Nguyên và bí mật gửi tin tức giúp quân dân nhà Trần tìm thời cơ phản kích.

Và khi thời cơ ấy đến, An Tư công chúa đã biến mình thành ngọn lửa sống dẫn đường cho quân nhà Trần biết chỗ ở của Thoát Hoan, khiến hắn sợ hãi phải chui vào ống đồng chạy tháo thân… Gánh trên vai trách nhiệm lịch sử, công chúa An Tư đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng vẻ vang của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên xâm lược.

Hình tượng An Tư công chúa trên sân khấu cải lương - Ảnh 2

Cảnh trong vở diễn.

Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai cho biết, chị rất tâm đắc và hứng thú với kịch bản này, cho nên đã dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu, tìm hiểu về bối cảnh lịch sử và nhân vật. Có lẽ cũng chính sự gặp gỡ, đồng cảm của tác giả nữ, đạo diễn nữ với nhân vật nữ đã mang đến sự mềm mại trữ tình rất riêng cho tác phẩm, đặc biệt ở những lớp múa hay những lớp chuyển cảnh tinh tế, dẫu cho vở diễn vẫn khắc họa trọn vẹn hào khí Đông A đầy hào sảng, oai phong, với những tiếng “Sát Thát” vang lên mạnh mẽ.

Một kịch bản chặt chẽ được dàn dựng chắc tay đã đưa người xem đến với nhiều miền cảm xúc, lúc thổn thức xúc động trước tình cảm trong sáng, thủy chung của công chúa An Tư dành cho Trần Thông; lúc giằng xé đớn đau, hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn; lúc lại bật cười sảng khoái khi tên tướng Thoát Hoan tiếng tăm lừng lẫy cũng khó qua nổi ải mỹ nhân…

Theo dõi vở diễn, dễ nhận ra đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai vẫn trung thành với những mảng miếng sân khấu truyền thống, tiếp tục phát huy thế mạnh của âm nhạc cải lương, song cũng không quên đưa vào những cách tân mới mẻ trong mạch diễn có tiết tấu nhanh, mạnh.

Sân khấu được cách điệu theo hình ảnh phượng bào làm nổi bật vẻ đẹp người phụ nữ, kết hợp những lớp múa uyển chuyển sử dụng đạo cụ là những chiếc quạt lớn đã tạo nên sự biến đổi linh hoạt cho từng cảnh diễn, lúc diễn tả tấm áo trinh tiết bị xé bỏ, lúc là con thuyền, lúc lại hóa thành ngọn lửa rực cháy… Sự dụng công này đã góp phần mang đến hiệu ứng thị giác độc đáo, đồng thời tác động mạnh tới xúc cảm người xem.

Với “Vì nghĩa nước non”, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã khoe được vẻ đẹp và tài năng của những diễn viên trẻ thuộc Đoàn nghệ thuật Truyền thống của Nhà hát, trong đó phải kể tới sự vào vai rất “ngọt” của nghệ sĩ Thùy Dung trong vai công chúa An Tư.

Bên cạnh đó, vở diễn có sự góp mặt ấn tượng của nhiều nghệ sĩ như: Nghệ sĩ Ưu tú Mạnh Hùng (vai Thoát Hoan); Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Hạnh (vai Cốt Đãi Tam); Nghệ sĩ Ưu tú Thiên Hoa (vai Chiêu Phi); các nghệ sĩ Lê Trung Tuấn (vai Trần Thông), Vũ Long (vai Trần Nhân Tông), Trần Cường (vai Trần Quốc Toản), Ngọc Linh (vai Thị Nữ)…

“Vì nghĩa nước non” mang vẻ đẹp tổng hòa của những chất liệu làm nên vở diễn có thể coi là “trái ngọt” xứng đáng cho đam mê nghệ thuật, nỗ lực sáng tạo, cống hiến của ê-kíp dàn dựng và nghệ sĩ biểu diễn.


Kịch bản sử Việt quá ít, cần được đầu tư

(CLV) – Thời gian gần đây, sân khấu cải lương tại TP HCM liên tục sáng đèn nhưng lại diễn quá nhiều vở có tuồng tích từ Trung Quốc...

Sân khấu truyền thống: Hy vọng xen lẫn băn khoăn

(CLV) – Đời sống sân khấu thật sự sôi động trở lại sau thời gian vắng lặng vì dịch bệnh COVID-19 với sự xuất hiện của một loạt Liên...

Đánh giá bài viết
Nguồn bài viết: Nhân dân

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *