Nghệ sĩ đoàn Kim Cương tề tựu trong ngày giỗ NSND Bảy Nam

Nghệ sĩ đoàn Kim Cương tề tựu trong ngày giỗ NSND Bảy Nam

18/08/2023
1836 Lượt xem

(CLV) – Những người làm công tác văn hóa nghệ thuật của đất nước vô cùng biết ơn những đóng góp của NSND Bảy Nam đối với sự nghiệp giữ gìn và phát huy vốn văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc cũng như công đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ nghệ sĩ trẻ.

Trưa 18-8, các nghệ sĩ đoàn kịch nói Kim Cương đã tề tựu tại nhà của NSND Kim Cương thắp hương tưởng nhớ đến NSND Bảy Nam nhân ngày giỗ của bà.

Nghệ sĩ đoàn Kim Cương tề tựu trong ngày giỗ NSND Bảy Nam - Ảnh 1.

NSND Kim Cương bên bàn thờ của mẹ – NSND Bảy Nam trong ngày giỗ

Trong khói hương lan tỏa khắp căn phòng thờ di ảnh của bà, các nghệ sĩ đã nhắc đến vở kịch “Lá sầu riêng” để nhớ về công ơn của NSND Bảy Nam – người nghệ sĩ đã được công chúng mến mộ qua tài năng diễn xuất những vai bà mẹ miền Nam từ sân khấu cho đến điện ảnh.

Nghệ sĩ đoàn Kim Cương tề tựu trong ngày giỗ NSND Bảy Nam - Ảnh 2.

Các thành viên của Đoàn kịch nói Kim Cương tề tựu bên bàn thờ NSND Bảy Nam nhân ngày giỗ lần thứ 19 của bà tại nhà riêng NSND Kim Cương

Các nghệ sĩ đều biểu lộ tình cảm đặc biệt dành cho NSND Bảy Nam, bởi nhân cách của bà đã là kim chỉ nam cho thế hệ nghệ sĩ trẻ noi bước. Nghệ sĩ Hồng Điệp – người đã từng diễn vai Thảo trong vở kịch “Bông hồng cài áo”, xúc động nhắc lại từng chi tiết mà chị được bà phân tích, hướng dẫn để thể hiện các vai kịch. Hai chị em sinh đôi Kim Điệp, Hồng Điệp đã từng tham gia thi tuyển diễn viên, sau đó cả hai trúng tuyển vào đoàn, được nhiều thế hệ đi trước hết lòng truyền đạt kinh nghiệm, trong đó có NSND Bảy Nam.

Nghệ sĩ đoàn Kim Cương tề tựu trong ngày giỗ NSND Bảy Nam - Ảnh 3.

Gia đình nghệ nhân tranh gạo Nguyễn Ngọc Quỳnh tặng NSND Kim Cương bức tranh gạo nhân ngày giỗ của mẹ bà – cố NSND Bảy Nam

NSND Ngọc Giàu đã từng kể, bà đã được NSND Bảy Nam chỉ dẫn để thể hiện những vai bà mẹ hiền lành mà bà đã áp dụng để diễn vai bà mẹ trong vở “Tình mẫu tử”.

NSND Ngọc Giàu cho biết thêm, NSND Bảy Nam đã từng dạy, con đừng diễn những vai hài cười cợt quá làm mất đi cái chất mùi mẫn trong giọng ca của mình. “Cách sống và làm nghề của NSND Bảy Nam cho thấy, bà lo cho cái chung nhiều hơn lo cho bản thân mình. Ngay cả chiếc xe lăn mà Hội bảo trợ người tàn tật TP HCM trao tặng, bà cũng nói với NSND Kim Cương trao cho người nghèo trước, hoặc ai lỡ đường lạc bước, không tiền nuôi bệnh cha mẹ, bà sẵn lòng giúp đỡ mà không cần tri ân” – NSND Ngọc Giàu xúc động nhắc lại.

Nghệ sĩ đoàn Kim Cương tề tựu trong ngày giỗ NSND Bảy Nam - Ảnh 4.

Hai nghệ sĩ Hồng Điệp, Kim Điệp (phải) sinh đôi, là cựu thành viên của Đoàn kịch nói Kim Cương đến thắp hương nhân ngày giỗ NSND Bảy Nam

Còn với nghệ sĩ Kiều Phượng Loan, chị đã kể: “Tôi gặp một người phụ nữ cầm trên tay quyển hồi ký “Trôi theo dòng đời” có chữ ký của bà, chị khóc nức nở nhớ về Má Bảy Nam, khiến tôi cũng xúc động”.

NSND Kim Cương cho biết năm 2024, tròn 20 năm ngày mẹ của bà qua đời, nếu bà còn đủ sức khỏe, sẽ tổ chức một chương trình họp mặt gia đình Đoàn kịch nói Kim Cương, chiếu lại tất cả những phim ảnh tư liệu về NSND Bảy Nam.

Và nếu đủ duyên, bà sẽ thực hiện audio hồi ký “Trôi theo dòng đời” của mẹ bà. “Trong sách, má tôi ví đời mình như nhánh lục bình trôi lênh đênh, nhưng nhân nghĩa mà bà đã vun vén thì không thể trôi vào quên lãng” – NSND Kim Cương nói.

Các nghệ sĩ của đoàn kịch nói Kim Cương chia sẻ thêm nhiều kỷ niệm khó quên về tinh thần lao động nghệ thuật của NSND Bảy Nam. Cứ vào mùa vu lan báo hiếu, các đài truyền hình đều phát lại chương trình “Bông hồng cài áo” giới thiệu đoạn băng ghi lại hình ảnh NSND Bảy Nam bước lên sân khấu nói lời giã từ khán giả trong chương trình “Những cánh chim không mỏi” do HTV sản xuất.

Nghệ sĩ đoàn Kim Cương tề tựu trong ngày giỗ NSND Bảy Nam - Ảnh 5.

Những diễn viên, ca sĩ của Đoàn kịch nói Kim Cương trong ngày giỗ của NSND Bảy Nam

“Bà ra đi nhưng thanh thản một ước nguyện đã trao gửi cho con gái mình, khi con không thể đóng vai Diệu, hãy trao lại cho thế hệ trẻ. Lúc đó con đóng vai của má để tiếp nối con đường mà má đã đi” – ca sĩ Yến Thu nhớ lại.

Các nghệ sĩ còn nhớ ngày quay bộ phim “Những cánh chim không mỏi” tại rạp Hưng Đạo, NSND Bảy Nam bước lên sân khấu trống hoác, đìu hiu, nhìn hàng ghế vắng khán giả, bà khóc: “Cái bậc thang oan nghiệt này khi tôi bước xuống là đã không còn được gặp khán giả. Tạo hóa đã sắp đặt, tre già măng mọc, không thể níu kéo thời gian. Khán giả rồi sẽ quên người nghệ sĩ, những chúng tôi không bao giờ quên khán giả. Vĩnh biệt”.

Hình ảnh bà nghẹn ngào rồi lặp lại ba lần câu “vĩnh biệt” đã khiến khán giả càng thêm quặn thắt, nhớ thương bà da diết.

Các nghệ sĩ đoàn kịch nói Kim Cương đã bày tỏ sự ngưỡng mộ tài đức và nhân cách của bà. Họ luôn nghĩ rằng bà vẫn hiện diện mãi với những vai bà mẹ hiền dịu bên cạnh họ.


NSND Bảy Nam: “Bén duyên” với điện ảnh và “bà Tư” gục trên sân khấu, chấm dứt đời nghệ thuật

Một năm sau ngày bà Năm Phỉ qua đời, nghệ sĩ Bảy Nam cũng giã từ sân khấu cải lương. Thế nhưng, duyên nghiệp với nghệ thuật vẫn chưa...

Triển lãm ảnh NSND Bảy Nam – Người mẹ trên sân khấu kịch nói Nam bộ

Ngày 15-10, Hội Sân khấu TPHCM tổ chức khai mạc triển lãm ảnh NSND Bảy Nam – Người mẹ trên sân khấu kịch nói Nam bộ tại số 5B...

Đánh giá bài viết
Nguồn bài viết: Người Lao Động

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *