Sau mổ tim, Thanh Thế tái xuất vai Đào Tam Xuân

Sau mổ tim, Thanh Thế tái xuất vai Đào Tam Xuân

22/05/2017
1140 Lượt xem

(CLV) – Sau thời gian điều trị căn bệnh tim, các bác sĩ chuyên khoa đã cho phép nghệ sĩ Thanh Thế trở lại sàn diễn, vai diễn đầu tiên bà chọn là Đào Tam Xuân.

NS Bạch Mai, Bo Bo Hoàng, Thanh Thế, Thanh Hoàng trong vở "Chung Vô Diệm"

NS Bạch Mai, Bo Bo Hoàng, Thanh Thế, Thanh Hoàng trong vở “Chung Vô Diệm”

Phóng viên: Vì sao bà chọn nhân vật này trong lần tái ngộ khán giả tại sân khấu Nhà văn hóa Thanh Niên? Những đường nét chuyển biến tâm lý khi nhân vật hay tin chồng chết, con trai bị mất tích đã làm người xem quặn thắt. Ưu điểm của bà là tạo được nét độc đáo qua mỗi tính cách, không để các số phận hình thành giống nhau như một vài diễn viên đi theo sở trường đào võ. Nét diễn của bà vừa kín đáo, vừa khơi gợi sự tò mò, khám phá nơi khán giả, để qua đó người xem hiểu được điều nhân vật muốn nói? Có phải đó là bí quyết?

NS Thanh Thế: Tôi muốn tri ân khán giả, nhất là bạn đọc của báo NLĐ đã từng giúp đỡ tôi trong lúc tôi mổ tim, sự quyên góp của báo đã mang lại cho tôi niềm tin vào nghị lực vượt qua căn bệnh. Vai diễn này là nhân vật tôi được thầy truyền nghề, đó là cậu ba Minh Tơ – cha của NSND Thanh Tòng. Tôi nhớ đức độ và tấm lòng nhân nghĩa của thầy tôi. Ông đã cống hiến cả đời cho nghệ thuật và gầy dựng một thế hệ nghệ sĩ tuồng cổ thay ông truyền bá những tinh hoa cho thế hệ hôm nay. Tuy công lao đó chẳng được phong tặng danh hiệu gì, nhưng mỗi khi có ai đó nhắc đến chúng tôi, nhắc đến thế hệ Minh Tơ đồng ấu… chúng tôi lại cảm thấy ấm lòng.

NS Thanh Thế và NSND Bạch Tuyết

NS Thanh Thế và NSND Bạch Tuyết

Cách đây không lâu, HTV đã thực hiện chuyên đề sân khấu “Đào tính cách trên sân khấu cải lương”. Đây là chương trình tôn vinh những nữ nghệ sĩ đã tạo ấn tượng đẹp qua những loại vai tính cách như: đào võ, đào mụ, đào độc, đào lẵng…Trong chuyên đề này bà có nói đến vai Đào Tam Xuân đã mang lại tình duyên cho bà? Vì sao?

Tôi nhận được lời cầu hôn của ông xã – NSƯT Bửu Truyện sau khi ổng xem tôi diễn vai này. Hồi đó thầy Minh Tơ dạy chúng tôi rất kỹ, đủ loại tính cách nên chúng tôi đều được trải nghiệm. Ông xã tôi hồi đó rất thích xem tôi diễn, anh ấy là một khán giả khó tính, xem rồi phê bình, có khi những buổi hẹn nhau đi uống cà phê, không nói chuyện yêu đương mà chỉ nói chuyện nghề. Những vai đào tính cách của tôi, anh ấy đúc kết nhiều và trò chuyện với tôi để nâng cao tính phán đoán, cảm thụ cho vai diễn. Sau này khi chúng tôi về đoàn cải lương Huỳnh Long, anh ấy còn dạy nghề cho nhiều diễn viên trẻ như: Khánh Tuấn, Chí Linh, Vân Hà, Kim Thoa, Tiểu Linh, Ngân Tuấn…Thế hệ chúng tôi đi lên từ những vai tính cách. Không phải muốn làm đào chánh là dễ. Phải đi từng nấc thang mà vai tính cách chính là nấc thang phụ vững vàng nhất.

Bà nghĩ gì về cách đưa cải lương đến với công chúng trẻ như cách làm của Nhà văn hóa Thanh Niên và một vài đơn vị xã hội hóa đưa vào học đường?

Trước hết là hoan nghênh, nhưng sau đó là sự boăn khoăn. Nhà văn hóa Thanh Niên hoặc Cung VHLĐ TP HCM nhiều năm qua vẫn tổ chức biểu diễn phục vụ miễn phí cải lương. Nhưng không phải lúc nào cũng có đông bạn trẻ đến thưởng thức. Mỗi chương trình cần có sự đầu tư chất lượng hơn để dù là vé miễn phí nhưng cải lương vẫn sang và đẹp. Thường thì chọn cái có sẵn để biểu diễn miễn phí khiến khán giả trẻ ngộ nhận cải lương chỉ có như thế, không có gì độc đáo. Nên khi đưa một vở diễn, trích đoạn tuồng cổ ra diễn phải đầu tư rất nghiêm túc. Tôi sẵn sàng tham gia bất cứ những chương trình sân khấu nào, miễn là có sự đầu tư đúng chuẩn mực mà nghề chúng tôi được học. Bây giờ sàn diễn cải lương lung lay bởi nền tảng không vững. Sợ thế hệ chúng tôi mất đi rồi thì không có ai giúp các diễn viên trẻ bồi đắp niềm tin. Nên dù trái tim tôi vừa trải qua đợt phẫu thuật thì tôi vẫn cố hòa nhịp đập với thế hệ trẻ, để sàn diễn cải lương sáng đèn.

NS Thanh Thế sau ca mổ tim

NS Thanh Thế sau ca mổ tim

Nghệ danh Bửu Truyện – Thanh Thế lớn lên từ đội Đồng Ấu Minh Tơ, ông bà đã chịu sự dìu dắt và huấn luyện hết sức nghiêm khắc của nghệ sĩ Minh Tơ. Cũng từ chiếc nôi này, biết bao thế hệ nghệ sĩ đã nổi tiếng, giữ vững tình cảm trong lòng khán giả. Nhìn lại quá khứ của mình, chắc hẳn bà rất mãn nguyện?

Năm 10 tuổi, tôi được tuyển vào đội Đồng Ấu Minh Tơ cùng thời đó với Thanh Tòng, Xuân Yến, Bửu Truyện, Bạch Lê, Trường Sơn, Thanh Loan, Công Minh, Vũ Đức…Lúc đó còn quá nhỏ nên tôi được giao những vai đào nhí. Năm 14 tuổi tôi đã được đóng vai Thần Nữ bên cạnh Tiết Ứng Luông – NSND Thanh Tòng. Nhờ có chất giọng cao vút, khẳng khái nên tôi được xem là phát hiện mới của sân khấu cải lương Hồ Quảng và tôi đã nổi lên với các vai: Đào Tam Xuân, Hoa Mộc Lan, Mộc Quế Anh, Thần nữ (vở Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ), Phàn Lê Huê… góp phần hình thành sở trường đào võ. Có thể nói với tài ca diễn tinh tế, cộng với vũ đạo điêu luyện mà thầy Minh Tơ truyền cho chúng tôi, phương pháp truyền nghề của ông đã cho tôi cơ hội “hấp thụ” những tinh hoa từ những trải nghiệm, để hôm nay tôi biến vốn liếng đó thành nét riêng và luôn khát khao vươn tới đỉnh cao nghệ thuật mới dù tuổi già sức yếu. Khi diễn lại vai Đào Tam Xuân tôi vẫn còn giữ cảm giác thích thú khi lần đầu được diễn.

NS Thanh Thế và NS Thanh Loan (con gái của NS Minh Tơ - mẹ NSƯT Tú Sương)

NS Thanh Thế và NS Thanh Loan (con gái của NS Minh Tơ – mẹ NSƯT Tú Sương)

NSND Phùng Há khi nói về thế hệ đào võ trứ danh đất Sài Gòn, nhấn mạnh: “Nói về những thủ pháp kỹ thuật của học trò Minh Tơ phải thấy có mối quan hệ giữa nội dung và hình thức thể hiện. Thầy trò của trường phái này đều xuất thân từ nghiệp hát: cha truyền con nối, nhìn nghề hát bằng cặp mắt nhân bản, chứ không chuộng sự phô trương, hoặc mong muốn chiếm ngôi vị độc tôn, nên bao giờ nét diễn của họ cũng xuất phát từ cái tâm”. Dường như dù sống trong nghèo khó, bà vẫn giữ được sự bền bỉ với nghề bằng cái tâm trong sáng?

Hơn nửa thế kỷ theo nghề hát, có nhiều điều để nhớ nhưng khi nhắc về một kỷ niệm sâu sắc nhất, tôi vẫn nhớ đến má Bảy Phùng Há. Bà đã đến xem chúng tôi diễn và góp ý, động viên rất nhiều. Bà đã trút hết những kinh nghiệm trong diễn xuất để chúng tôi có thêm trải nghiệm. Gia đình tôi nghèo khó nhưng không bán rẻ nghề đã được tinh luyện. Bí quyết là sự bền bỉ, xem sàn tập là nhà. Có lăn lộn, đổ mồ hôi, thậm chí đổ máu trên sàn tập thì vai diễn mới hay. Thương các em trẻ hiện nay theo nghề, không có sàn diễn để gắn bó, để miệt mài làm nghề thì không thể giỏi. Nhưng các em vẫn bám nghề, yêu nghề đó là điều mà chúng tôi hạnh phúc. Chỉ mong sao rạp Hưng Đạo nhanh chóng đi vào hoạt động để các em có đất dụng võ, nghề để lâu không rèn giũa sẽ bị mai một.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp


5/5 - (2 bình chọn)

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *