(CLV) – Theo GS.TS Trần Văn Khê, cải lương được sinh ra từ ca ra bộ, mà ca ra bộ được hình thành từ nghệ thuật đờn ca tài...
Thầy Năm Châu
(CLV) – Không chỉ là cái nôi của cải lương, đất Tiền Giang còn là nơi sinh ra rất nhiều nghệ sĩ (NS) tên tuổi trên lĩnh vực này ngay từ thuở khai sinh loại hình nghệ thuật này cho đến nay.
Có thể kể ra như Năm Phỉ, Bảy Nam, Phùng Há, Năm Châu, Trần Hữu Trang, Trần Văn Khê, Hoàng Tuyển, Kim Cương, Ngọc Giàu, Minh Phụng… Trong đó, NS Năm Châu được xem là thầy của những bậc thầy về cải lương vì ông vừa là kép giỏi, vừa là soạn giả, đạo diễn kỳ tài.
Đa tài và đa tình
NS Năm Châu tên thật là Nguyễn Thành Châu, sinh năm 1906 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc P.2, TP Mỹ Tho). Năm 16 tuổi, ông gia nhập gánh hát Thầy Năm Tú và nhanh chóng trở thành kép chính sáng giá nhất sân khấu bởi ngoại hình đẹp trai lẫn giọng ca trời phú.
Viết về ông, soạn giả Viễn Châu nhận định: “Năm 1923, anh Năm Châu đã là kép chính sáng giá nhất của ban cải lương Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Anh là người tài giỏi, có ý chí và luôn nhìn xa trông rộng, nắm bắt tình thế để ứng biến cho nghề, cho sân khấu một cách thần thông. Thế nhưng, anh lại không đoán được số phận long đong của con tim mình, mà có lẽ đây cũng là cái bệnh chung (khó trị) của giới NS”.
Người vợ đầu tiên của NS Năm Châu là nữ diễn viên Sáu Trâm. Hai vợ chồng ông từng là một cặp đào kép ăn khách nhất giữa thập kỷ 1920 với hình tượng Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà trong vở Giọt máu chung tình. Sau khi cô Sáu Trâm đột ngột rời bỏ về quê nhà An Giang, NS Năm Châu kết hôn với NS cùng quê với ông: NS Tư Sạng, với biệt danh nữ đệ nhất danh ca thời tiền chiến. Cả hai có với nhau năm mặt con thì NS Tư Sạng bỏ đi lấy chồng khác.
Đây là một cú sốc lớn trong cuộc đời NS Năm Châu, và từ đó vở kịch Phũ phàng ra đời, sau chuyển thành tuồng cải lương Men rượu hương tình. Nội dung vở kịch nói về cô đào hát tham tiền, phụ rẫy người chồng là NS nghèo để chạy theo kẻ khác giàu sang. Anh chồng kép hát vẫn đeo đuổi theo nghiệp cầm ca, giải buồn bằng men rượu và gục chết trên sân khấu sau đêm diễn tuồng. Đến năm 1948, NS Năm Châu kết hôn với NS Kim Cúc, cả hai có với nhau sáu người con, cùng chung tay tạo nên một nền móng nghệ thuật cải lương “thật và đẹp” cho đến lúc ông mất năm 1977.
NS Năm Châu còn có một mối tình với NS Phùng Há. Theo hồi ký của soạn giả Viễn Châu, mối tình giữa hai người đã chớm nở khi gặp nhau vào năm 1925. Sau đó bị chia cắt khi NS Phùng Há kết hôn với nhạc sĩ Tư Chơi. Lúc NS Năm Châu gá nghĩa với Tư Sạng, sinh con đẻ cái thì NS Phùng Há chia tay Bạch công tử. Lúc NS Năm Châu bị NS Tư Sạng bỏ rơi thì NS Phùng Há cũng đã kết duyên cùng người khác. Tuy vậy, mối tình ấy vẫn được cả hai gìn giữ đến cuối đời.
Trong ký ức Bạch Tuyết
NSND Bạch Tuyết kể lại: “Năm 1961, lúc tôi về ban Thống Nhất thì tên tuổi của ba Năm Châu, má Bảy Phùng Há đã được lứa hậu sinh chúng tôi xem như tổ nghề. Tôi may mắn được ba Năm chỉ dạy từ lúc ấy. Ông là người thầy rất tinh tế. Biết tôi giọng yếu, ông đã hướng tôi tập trung luyện sắc cảm của mình thành một nét riêng biệt để có thể thành công trong thời gian ngắn nhất”.
Theo NSND Bạch Tuyết, NS Năm Châu là một người ít nói. Ông lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề. Là học trò thân cận và làm việc với NS Năm Châu một thời gian dài, nhưng NSND Bạch Tuyết chưa thấy ba Năm của mình nhậu nhẹt hay có một cử chỉ nào thái quá bao giờ. Đời ông gần như gắn liền với việc soạn tuồng, tập tuồng và dạy tuồng. “Vừa là một người làm cách mạng, vừa có quá nhiều nỗi niềm tình cảm riêng tư có thể là nguyên nhân để ông trở thành một người trầm tính. Ông chỉ nói những lúc cần nói và nói câu nào cũng triết lý sâu sắc” – NSND Bạch Tuyết nhận xét về người thầy của mình.
Đến tận bây giờ, NSND Bạch Tuyết vẫn còn nhớ như in lời dạy của NS Năm Châu khi lên sân khấu: “Vở diễn nhiều vai, nhưng khi con đã bước lên sân khấu thì làm sao khán giả chỉ nhìn thấy mỗi con, mặc cho sân khấu có ồn ào như thế nào”.
Từ khi thành danh, NS Năm Châu đã là một bậc đàn anh hướng dẫn, chỉ dạy cho nhiều NS tên tuổi sau này như Phùng Há, Tư Sạng, Sáu Ngọc Sương, Thanh Loan… Nhưng phải đến khi thành lập ban Việt kịch Năm Châu vào năm 1948, NS Năm Châu mới chính thức bắt đầu vai trò chủ yếu là đạo diễn và đào tạo diễn viên cải lương. Lúc này, NS Năm Châu và NS Trần Hữu Trang đã tham gia cách mạng, hoạt động chống thực dân Pháp. Là người đặt nền móng cho một nền cải lương “thật và đẹp”, NS Năm Châu rất chú trọng đến tri thức và hình ảnh đời sống NS. Ban kịch của ông rất có lề lối, kỷ cương. Ông nghiêm khắc đề ra các điều nội quy “cấm nói tục, cờ bạc, hút nghiện”. Ông còn thuê người về dạy chữ cho những NS trong ban kịch của mình.
NSND Bạch Tuyết nhớ lại: “Với ông cải lương phải thật và đẹp, người NS phải mang hồn thật sự của vai diễn. Ba Năm Châu buộc chúng tôi phải am hiểu kỹ càng, nghiên cứu không ngừng về cả lịch sử dân tộc trước những tuồng cổ. Có những vai diễn chúng tôi tập đi tập lại mấy ngày vẫn không vừa ý ba Năm”. Nhưng quan trọng nhất, những người được NS Năm Châu dạy luôn cảm nhận được tấm lòng nhiệt huyết của một người làm cách mạng đang muốn chống lại thực dân thời bấy giờ.
NSND Bạch Tuyết kể tiếp: “Lời lẽ trong tác phẩm Bình Tây Đại nguyên soái của ông thể hiện rất rõ ý chí chiến đấu của mình. Sau này kể lại cho chúng tôi, ba Năm Châu cho biết ông đã quan niệm làm sao mình chửi được Pháp mà Pháp không bắt được mình từ lúc mới bước chân vào nghiệp diễn”. Năm 1962, NS Năm Châu trở thành một trong những giáo sư kịch nghệ đầu tiên của Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn. Ông còn là một chuyên gia trong việc chuyển âm, lồng tiếng phim nước ngoài khi thể loại này mới phát triển ở Việt Nam.
Khi tu nghiệp tiến sĩ tại Anh, NSND Bạch Tuyết càng bất ngờ và nể trọng hơn người thầy Năm Châu của mình. Bà nói: “Nghiên cứu sâu rộng về Tây học nên NS Năm Châu thấm nhuần phương pháp diễn xuất của trường phái Stanislavski, một phương pháp diễn xuất biểu hiện tâm lý và dạy chúng tôi rất kỹ. Mãi mấy chục năm sau khi học ở Anh tôi mới biết những điều ba Năm Châu dạy mình toàn là phương pháp hiện đại của thế giới. Ông học bố cục trong các tác phẩm của phương Tây, cách đẩy mâu thuẫn cao trào theo phát triển của tâm lý và soạn kịch thường theo quan điểm này”.
Trong hồi ký của mình, soạn giả Viễn Châu viết về NS Năm Châu một cách trân trọng, xem như một người thầy đáng kính: “Anh Năm Châu thường lấy tích tuồng từ các sách truyện của Pháp và Anh để chuyển thể cải lương và bắt đầu khai sáng trào lưu cải lương “thật và đẹp”. Chính anh Năm Châu đã cho tôi niềm tin vào khả năng để tự tin thử sức. Tôi đã đi theo chủ trương của anh, sân khấu cải lương phải thật và đẹp”.
NS Năm Châu để lại cho đời hơn 50 tác phẩm dài và vô số vở ngắn mà ông viết theo yêu cầu chưa thể thống kê hết. Một số tác phẩm nổi tiếng có thể kể như: Duyên chị tình em, Anh hùng náo Tam môn giai, Tư sinh tử, Đóa hoa rừng, Thái tử Hàm Lệ, Túy Hoa vương nữ, Miếng thịt người, Tây Thi gái nước Việt, Vợ và tình, Nước biển mưa nguồn… Cuối đời ông viết Ngọn cờ đầu, Ngao sò ốc hến… Đặc biệt ba vở Men rượu hương tình, Nợ dâu, Sân khấu về khuya được liệt vào những vở kinh điển về hình tượng người NS và cũng xem như tuyên ngôn nghệ thuật về sân khấu của ông.
Với những đóng góp to lớn của mình, NS Năm Châu được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND vào năm 1988. Tên của ông cũng được đặt cho giải thưởng truyền thống “Giọng ca cải lương trên sóng phát thanh truyền hình tỉnh Tiền Giang” nhiều năm nay.
(CLV) – Rạp hát cải lương đầu tiên ở VN chính là rạp Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Rạp Thầy Năm Tú hiện nay vẫn còn được gìn...
(CLV) – Đó là gánh hát có tên Đồng Nữ Ban ra đời năm 1927 do bà Trần Ngọc Diện (còn gọi là cô Ba Diện, 1884-1944) sáng lập...
(CLV) – Gần cùng thời với gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho còn có gánh hát Huỳnh Kỳ của Bạch công tử cũng đình đám ngang nhau....
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.125344 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98742 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95526 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.93951
Trả lời