Năng động sân khấu thành phố mang tên Bác

Năng động sân khấu thành phố mang tên Bác

05/09/2023
518 Lượt xem

Nhiều vở cải lương sử Việt của Nhà hát Trần Hữu Trang, dự án kịch thể nghiệm của nhóm nghệ sĩ Hồng Ánh… đang thu hút sự quan tâm của khán giả

Sau một thời gian gián đoạn do đại dịch COVID -19, hiện nay sân khấu TP HCM đã đồng loạt sáng đèn như: Sân khấu Thiên Đăng, Sân khấu Hồng Vân – UEH Theatre Trường ĐH Kinh tế TP HCM, Nhà hát Thanh Niên, Sân khấu kịch Hồng Hạc, Sân khấu Trương Hùng Minh

Cơ hội cho lớp trẻ

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn ngoài “đại bản doanh” là sân khấu IDECAF đã gầy dựng thêm 2 sân chơi mới cho thế hệ nghệ sĩ trẻ thể hiện khả năng của mình tại sân khấu Nhà hát Thanh Niên (trong khuôn viên Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM) và sân khấu Đồng ấu Bạch Long (trong khuôn viên Cung Văn hóa Lao động TP HCM).

Sân khấu Trương Hùng Minh, dù mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng cũng đã tạo cơn sốt vé với vở cổ tích “Bí mật trăm đốt tre” (tác giả, đạo diễn Huỳnh Lập). Sân khấu kịch Hồng Hạc cũng tạo cơ hội cho các đạo diễn trẻ như: Tây Phong, Đinh Mạnh Phúc, Võ Cẩm Tiên, Minh Trương… và những diễn viên trẻ làm quen với công chúng thông qua loại hình kịch văn học.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh – đơn vị xã hội hóa chuyên về kịch tâm lý xã hội cũng đã nỗ lực sáng đèn trong thời gian qua, các vở diễn của sân khấu này luôn được khán giả ủng hộ. NSƯT Ca Lê Hồng đánh giá cao sân khấu Hoàng Thái Thanh khi nhiều năm qua vẫn giữ “đúng màu” kịch tâm lý xã hội, tạo nên khuynh hướng sáng tác và hình thức dàn dựng rất riêng của sân khấu được cầm chịch bởi 2 nghệ sĩ tâm huyết Ái Như và Thành Hội.

Năng động sân khấu thành phố mang tên Bác - Ảnh 1

Một cảnh trong vở “Trả lại lia thia” của Sân khấu Hoàng Thái Thanh – đơn vị xã hội hóa chuyên về kịch tâm lý xã hội được khán giả đánh giá cao

Dự án kịch thể nghiệm của nhóm nghệ sĩ Hồng Ánh với sự xuất hiện trở lại của đạo diễn Đoàn Khoa đang là điểm nhấn đáng chú ý của sân khấu kịch TP HCM hiện nay trong việc hướng đến những vở diễn thể nghiệm, hiện đại. Vở kịch “Mình nói chuyện mình” vừa công diễn được giới chuyên môn đánh giá cao, khán giả cũng thích thú với loại hình kịch mới.

Nhiều đề tài sử Việt

Ở lãnh vực sân khấu cải lương cũng “nóng” không kém sàn diễn kịch, việc dàn dựng vở “Cô đào hát” (chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Quang Sáng; tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc – Hoa Hạ; đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) là một nỗ lực đáng ghi nhận của Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt. Trong thời gian vừa qua, Nhà hát Trần Hữu Trang cũng đã hỗ trợ cho nhiều đạo diễn trẻ thử sức với sàn diễn. Các đạo diễn trẻ này đã dàn dựng nhiều vở diễn mới về đề tài sử Việt như: “Nguyễn Hữu Cảnh” (đạo diễn Nguyễn Minh Trường), “Bạch Đằng Giang – Thủy chiến” (đạo diễn Kim Tuyến), “Ngược dòng Tây Sơn” (đạo diễn Nguyễn Thanh Toàn)… thu hút được nhiều khán giả.

Đạo diễn trẻ Quỳnh Khôi còn dàn dựng vở cải lương thiếu nhi đầu tiên “Vương quốc thú nhồi bông”, đạo diễn Nguyễn Minh Trường dàn dựng các trích đoạn, ca cảnh: “Bài học đầu tiên”, “Người mở cõi”…; tham gia biểu diễn sân khấu học đường phối hợp với chương trình “Giới thiệu nhạc cụ dân tộc và nghệ thuật cải lương” của Đại học FPT TP HCM (phục vụ hơn 20.000 lượt khán giả trẻ).

Trước tình hình sân khấu cải lương thiếu vắng vở sử Việt, đạo diễn trẻ Nguyễn Thanh Toàn (giải Chuông vàng vọng cổ 2015) đã tiên phong viết những bài bản cải lương thuần Việt thay cho nhạc Hồ Quảng trong kịch bản “Ngược dòng Tây Sơn”. NSND Trần Minh Ngọc xúc động: “Tôi đã xem vở diễn này, đây là một vở diễn tốt. Có thể nói đây là một nỗ lực rất đáng khen của một đạo diễn trẻ, có ý thức giữ gìn truyền thống sân khấu dân tộc”.

Theo những người trong cuộc, sự hồi phục của các sân khấu là một tín hiệu lạc quan, đáng khích lệ và để các sàn diễn có thể sáng đèn dài lâu, các cơ quan chức năng liên quan cần sớm có những chính sách và cơ chế đặc thù trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể như có cơ chế cho thuê mặt bằng với giá cả hợp lý để các sân khấu xã hội hóa có thể luân phiên biểu diễn tại Nhà hát Thành phố mỗi quý; có sự hỗ trợ đầu tư đúng mức cho những kịch bản có nội dung tốt, được dàn dựng công phu để vở diễn đủ sức hấp dẫn công chúng, tạo hiệu ứng tích cực cho công tác tuyên truyền.

NSND Trần Minh Ngọc cho biết: “TP HCM đang hướng tới việc tham gia vào mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. “Thành phố sáng tạo” bao gồm các lĩnh vực: thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thống, trong đó có sân khấu và điện ảnh, thiết kế, ẩm thực, văn học và âm nhạc. Để sân khấu TP HCM đủ sức tham gia vào mạng lưới “Thành phố sáng tạo” ngay từ bây giờ cần phải đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực sáng tác, đạo diễn, diễn viên; mở các khóa học cho đạo diễn trẻ tiếp thu cái mới, tiên tiến của các quốc gia có nền sân khấu phát triển”.


Minh Tâm – Tài Lương về sân khấu Việt sau 40 năm

(CLV) – Nghệ sĩ Chí Linh – em trai của nghệ sĩ Tài Lương, Tài Linh – vui mừng cho biết vợ chồng chị gái anh là Minh Tâm...

Hình tượng An Tư công chúa trên sân khấu cải lương

(CLV) – “Vì nghĩa nước non” là vở diễn mới nhất vừa được Nhà hát Cải lương Việt Nam công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tái hiện...

Nghệ sĩ sân khấu tuồng cổ tề tựu trong ngày giỗ cố nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai

(CLV) – Nghệ sĩ Bạch Mai ra đi trong những ngày cả nước căng mình chống dịch COVID-19 do bị đột quỵ. Đối với các nghệ sĩ sân khấu...

Đánh giá bài viết
Nguồn bài viết: Người Lao Động

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *