NSND Lệ Thủy: Sống sẻ chia khi mình có điều kiện
(CLV) – NSND Lệ Thủy nói bà quá hài lòng với những gì mình đang có. Được làm nghề, còn có điều kiện để làm từ thiện, không mơ ước gì hơn
Phóng viên: Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, bà cảm nhận điều gì rõ nhất?
– NSND LỆ THỦY: Tôi thấy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong xã hội chúng ta được phát huy, nhân lên mạnh mẽ. Đó là sức mạnh để chúng ta vững lòng trước đại dịch Covid- 19 chắc chắn còn kéo dài. Nước ta phòng bị tốt nên tránh được sự lây lan. Tôi cảm động vô cùng khi thấy hình ảnh những y – bác sĩ và bộ đội, công an đã vất vả ngày đêm để kiểm soát dịch bệnh. Tôi rất biết ơn những người ở tuyến đầu. Giữa đại dịch, người Việt trong và ngoài nước đã xích lại gần nhau hơn, vì lợi ích lâu dài của cộng đồng, của đất nước. Nhìn mọi người đồng lòng hỗ trợ nhau, dìu nhau từng bước đi qua những thời điểm khó khăn, tôi thật sự thấy tự hào. Tôi cũng đã chung tay bằng cách ủng hộ 5 tấn gạo giúp người nghèo và các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Đó là tấm lòng của tôi muốn được chia sẻ với cộng đồng khi mình có điều kiện.
Là nghệ sĩ uy tín trong ngành sân khấu, bà có đề xuất gì để đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn nói chung, sân khấu nói riêng vượt qua khó khăn khi phải tạm ngưng hoạt động?
– Ban Ái hữu Nghệ sĩ TP HCM đã kịp thời hỗ trợ 14 sân khấu công lập, xã hội hóa để giúp đỡ công nhân hậu đài, chuyên viên âm thanh, ánh sáng, lực lượng bảo vệ, phục trang… Tôi nghĩ Hội Sân khấu TP HCM phát huy chức năng của mình vận động nguồn lực xã hội chăm lo cho hội viên không để sót nghệ sĩ khó khăn nào. Ngoài ra, Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM cần tham mưu UBND TP HCM có giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Chủ yếu là giải quyết các đề xuất liên quan chính sách về thuế. Phải giảm thuế cho các sân khấu, thực hiện các chính sách hỗ trợ công nhân hậu đài, chuyên viên âm thanh, ánh sáng… vì họ đang thất nghiệp không có thu nhập lo cho gia đình.
Nhiều kịch bản sân khấu đã được sáng tác kịp thời tôn vinh lực lượng ở tuyến đầu chống dịch nhưng hậu giãn cách xã hội còn ngổn ngang bao việc phải lo. Dù sẽ có rất nhiều khó khăn, thiệt hại về kinh tế nhưng tôi luôn tin chính sự đoàn kết của anh chị em nghệ sĩ sẽ tạo nên sức mạnh để cùng cả nước vượt qua, không từ bỏ khao khát được cống hiến cho nghệ thuật.
Làm công tác thiện nguyện gần như quanh năm. Bà nghĩ như thế nào về dư luận cho rằng đó là cách để nghệ sĩ đánh bóng tên tuổi?
– Tôi đã nhiều lần không kìm được sự xúc động khi nghe câu chuyện về những người đang quên mình, dành những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng. Không phải chỉ trong mùa dịch Covid-19, tôi làm từ thiện hơn 40 năm rồi, mỗi chuyến đi là tôi được nhìn thấy tận mắt nhiều hoàn cảnh rất thương cảm. Tôi nghĩ làm việc thiện là từ tâm. Nếu ai đó lợi dụng việc thiện cho mục đích cá nhân thì người ấy sẽ có tội, còn một khi mình làm bằng cái tâm thì chẳng sợ lời dị nghị nào, càng không quan tâm đến dư luận.
Sau đợt giãn cách xã hội, bà có nghĩ sẽ đưa lên sàn diễn cải lương hình ảnh những nhân vật ở tuyến đầu?
– Con trai tôi là ca sĩ Dương Đình Trí có năng khiếu sáng tác bài ca cổ, tôi đã kể cho con nghe nhiều hình ảnh đẹp, có thể là chất liệu để đưa vào bài vọng cổ hoặc trích đoạn cải lương, chẳng hạn một gia đình cả vợ và chồng đều là bác sĩ đang trực chiến trong cùng khu cách ly nhưng chỉ có thể nhìn nhau và vẫy tay chào qua khung cửa sổ. Cô con gái nhỏ được ông bà ngoại trông từng ngày mong chờ ba mẹ về. Sự hy sinh đó thật đẹp biết bao. Rồi hình ảnh các chiến sĩ bộ đội nhường giường ngủ và phòng ở cho người cách ly, còn mình phải ngủ ngoài trời, ăn cơm dưới nắng, bên vệ đường. Tôi thật sự cảm phục và biết ơn điều đó. Điều lớn nhất tôi cảm nhận được là đã có những yêu thương, sự quan tâm từ những người xa lạ, chẳng hề quen biết dành cho nhau.
Hồi ký được thực hiện theo hình thức video phát trên YouTube của bà nhận được nhiều lời khen. Xem lại những tâm sự về cuộc đời mình, bà chiêm nghiệm được điều gì?
– Tôi nhớ hình ảnh má tôi, một phụ nữ Nam Bộ, buôn thúng bán bưng lo cho đàn con. Nhà nghèo lắm, đến nỗi không có tiền mua củi nấu cơm. Nhìn lại đời mình, tôi thấy đã làm được điều mình mong ước thời bé xíu khi thấy má cực khổ quá, rằng lớn lên sẽ làm được nhiều tiền để thay má lo cho gia đình.
Sau biết bao thăng trầm của nghiệp diễn, bà có hài lòng với những gì mình có được?
– Quá hài lòng. Nhiều phụ nữ ở tuổi tôi phải đi bán vé số, bán hàng rong để mưu sinh. Mình còn được làm nghề, còn có điều kiện để làm từ thiện, mơ ước gì hơn.
Khán giả vẫn mong Sân khấu Vàng do bà và NSND Minh Vương tạo dựng sáng đèn trở lại. Bà có nghĩ đến việc này?
– Đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, đã có lời mời chúng tôi khởi động lại Sân khấu Vàng mà chúng tôi sinh ra và đặt tâm huyết tái dựng những vở kinh điển, gây quỹ làm việc thiện. Sau thời gian giãn cách xã hội, mọi hoạt động trở lại bình thường, chúng tôi sẽ quy tụ lực lượng và ra mắt một số vở. Tôi và anh Minh Vương sẽ cố vấn cho thế hệ diễn viên trẻ để họ thăng hoa cảm xúc, cống hiến cho nghề. Tuy nhiên, cũng phải hướng tới những kịch bản mới, mang hơi thở của thời đại.
Băn khoăn về đào tạo tài năng
Điều gì khiến bà trăn trở nhất khi nghĩ về tiền đồ của sân khấu cải lương?
– Biết tin Giải thưởng Trần Hữu Trang sẽ được Hội Sân khấu TP HCM tái hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP HCM, thế hệ nghệ sĩ như tôi mừng lắm. Bởi cuộc thi này có ý nghĩa tiếp nối giải Huy chương vàng Thanh Tâm mà chúng tôi đã từng vinh dự đón nhận. Song, điều tôi băn khoăn là cách duy trì thành quả sau mùa giải. Đừng để các Huy chương vàng rơi rụng, tự bơi như những lần trước, phải có sân khấu cố định để các tài năng trẻ cọ xát nghề mới phát triển được.
Thanh Hiệp thực hiện
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.127127 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98753 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95543 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.93976
Để lại một bình luận