(CLV) – Ông được giới chuyên môn đánh giá là nghệ sĩ thượng thặng trong diễn xuất trên sân khấu cải lương. Năm 2001, ông được bạn đọc Báo...
“Ông hội đồng” Diệp Lang đã đi xa…
(CLV) – NSND Diệp Lang có nhiều vai diễn để đời như: Hội đồng Dư trong “Tiếng hò sông Hậu”, Hội đồng Thăng trong “Đời cô Lựu”, ông Hai trong “Đàn ca tri kỷ”…
NSND Diệp Lang vốn là một người chừng mực, khiêm tốn. Ông đã qua đời lúc 6 giờ ngày 11-3 (theo giờ địa phương) tại tiểu bang California – Mỹ do bệnh tim, thọ 83 tuổi.
Sở trường kép độc
Ngoài những vai “ông hội đồng” như là thương hiệu của riêng mình, NSND Diệp Lang còn để lại trong tim người hâm mộ nhiều vai diễn khó phai như: Trung sĩ Tám trong “Tìm lại cuộc đời”, Lê Chính trong “Tâm sự Ngọc Hân”, Lê Xuân Giác trong “Tiếng sóng Rạch Gầm”…
Về phương diện nghệ thuật, NSND Diệp Lang là nghệ sĩ chuyên diễn vai phụ với sở trường kép độc. Sự xuất hiện của ông trên sân khấu bao giờ cũng toát lên “ma lực” quyến rũ lạ kỳ. Từ lời thoại, câu ca đến cách diễn của ông đã khắc ghi trong tâm trí đông đảo người xem.
Hai năm liền, NSND Diệp Lang được bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn Giải Mai Vàng, đó là năm 2000 với vai ông Năm Bầu (vở “Đôi bờ”) và năm 2001 với vai ông Hương Cả (vở “Trà Hoa Nữ”). Tôi còn nhớ ông rất vui mừng, bày tỏ niềm xúc động vì không ngờ vai phụ lại được vinh danh, trong đó có cả vai phản diện như Hương Cả.
Trong sự nghiệp nghệ thuật, NSND Diệp Lang đã diễn hàng trăm tính cách, hóa thân vào nhân vật đủ các tầng lớp, từ nghèo hèn cho đến giàu sang, từ cuộc sống đương đại cho đến những giai đoạn lịch sử của dân tộc. Trong đó, độc đáo nhất phải kể đến là vai “người câm” trong vở cải lương “Tâm sự Ngọc Hân”. Ông chỉ diễn bằng ánh mắt, cơ mặt và thốt lên ba tiếng “quân xâm lược” chỉ thẳng vào mặt sứ thần nhà Thanh. Suất diễn nào của vai này cũng được khán giả vỗ tay vang dội.
NSND Diệp Lang còn diễn hài duyên dáng, quăng bắt tiếng cười đầy trí tuệ với vai Lỗ Quý (vở “Lôi Vũ”) và ông sui (“Áo cưới trước cổng chùa”). Khi mua vé, khán giả đều hỏi suất diễn này có Diệp Lang không!?
Một lần nhận lời mời của NSƯT Thành Lộc, NSND Diệp Lang cộng tác với Sân khấu kịch IDECAF trong vở “Trái tim trong trắng” của tác giả Lưu Quang Vũ. Tôi đã xem nhiều lần suất diễn này. Cứ đến lớp diễn ông ôm NSƯT Thành Lộc – vai người con bỗng dưng bị ở tù oan mà không thể biện minh; hình ảnh người cha khóc thương con trai bị án oan, ánh sáng của đôi mắt tin tưởng vào chân lý… được ông diễn đạt chân thật đến nghẹn ngào, khiến khán giả ai cũng phải lau nước mắt.
Tôi còn nhớ tại chương trình “Những cánh chim không mỏi” do HTV thực hiện, ông đã trình bày “bộ sưu tập” các vai diễn để đời. Trong đó, vai diễn khiến các thế hệ nghệ sĩ khâm phục là Phê trong vở “Khi người điên biết yêu”. Với ông, mỗi lần ra sàn diễn là một lần “xuất trận”, dồn hết tâm trí, cảm xúc cho nhân vật. Chính điều đó đã làm nên một Diệp Lang bền bỉ với nghề, tỏa sáng nhân cách người nghệ sĩ công dân.
Tinh thần trượng nghĩa
Nghệ sĩ Diệp Lang sinh ra và lớn lên tại Sa Đéc – Đồng Tháp. Bước chân theo nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ từ năm 8 tuổi, ông theo cha là thầy đàn Ba Diệp tham gia Đoàn Cải lương Tam Phụng. Ông nối nghiệp cha và cũng mong con trai mình là đạo diễn Diệp Tiên sẽ tiếp nối con đường mình đã chọn.
Trải qua rất nhiều thăng trầm của nghề, NSND Diệp Lang vẫn giữ vẹn tình yêu chung thủy với sân khấu cải lương. Ông chính là pho từ điển sống của bộ môn nghệ thuật này.
NSND Diệp Lang đã đóng góp vào những trang sử của sân khấu cải lương nhiều kinh nghiệm thực tiễn qua 20 năm tham gia Ban Chấp hành Hội Sân khấu TP HCM; tham gia dàn dựng, giám khảo Giải HCV Trần Hữu Trang. Ông còn là người đã chấp bút, biên kịch, sửa chữa nhiều kịch bản trong quá trình làm đạo diễn, trưởng Đoàn Cải lương 284, giúp thương hiệu này rực rỡ hơn sau chuyến lưu diễn “đem chuông đi đánh xứ người” năm 1984 tại châu Âu theo lời mời của UNESCO.
Ghi nhận công ơn của NSND Diệp Lang, nhiều nghệ sĩ trẻ luôn nhắc đến tinh thần trượng nghĩa mà ông gieo vào lòng họ. Theo NSND Diệp Lang, tất cả tuồng tích cải lương đều đề cao “trung, hiếu, tiết, nghĩa”, mà cao đẹp nhất là tinh thần trượng nghĩa với đồng bào, với dân tộc. Khi Sân khấu Vàng của NSND Minh Vương và NSND Lệ Thủy ra đời năm 2007, chính ông đã đạo diễn vở “Tình mẫu tử” của soạn giả NSND Viễn Châu, đem lại tiếng vang về mặt chất lượng nghệ thuật và cả doanh thu lúc đó.
“Ông hội đồng” Diệp Lang được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2003. Khán giả sẽ mãi nhớ đến các vai diễn mà ông thể hiện trên sân khấu. Đồng nghiệp bao thế hệ sẽ không bao giờ quên công lao đóng góp, dìu dắt lớp diễn viên trẻ của ông.
Với Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động, NSND Diệp Lang từng góp ý: Không nên đóng khung chỉ là đào kép chính mà cần mở rộng hình thức đề cử, để nhiều dạng vai diễn có được cơ hội tranh giải.
Với hai vị nghệ sĩ cao niên này: NSND Diệp Lang và nhạc sĩ Lam Phương, tôi có một số buổi làm việc với hy vọng ghi hồi ký...
Ngày 29-7, trở về từ Mỹ sau chuyến lưu diễn phục vụ kiều bào, NSƯT Thoại Mỹ cho biết cô đã gặp lại thần tượng của mình và không...
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.127127 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98753 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95543 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.93976
Để lại một bình luận