(CLV) – Với phương hướng đưa sân khấu sử Việt đến với học sinh tiểu học và cấp 2, cấp 3 trên địa bàn TP HCM, Nhà hát Trần...
Bồi hồi 45 năm Nhà hát Trần Hữu Trang
(CLV) – Đêm 24.12 Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM) đã có một chương trình biểu diễn kỷ niệm 45 năm thành lập khiến khán giả bồi hồi nhớ lại những ký ức về cải lương thật sâu sắc, khó quên.
Nhà hát Trần Hữu Trang được thành lập năm 1976 với tên gọi ban đầu là Nhà hát Ca kịch Cải lương Trần Hữu Trang trên cơ sở 3 nguồn lực lượng là Cải lương Giải phóng (trong R), Đoàn Cải lương Nam bộ (gồm các nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc) và lực lượng nghệ sĩ tại thành phố. Đến năm 1998 Nhà hát Ca kịch Cải lương Trần Hữu Trang sáp nhập với Đoàn Văn Công Thành phố (tiền thân là Đoàn Văn Công Khu Sài Gòn – Gia Định) và được đổi tên thành Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Chương trình kỷ niệm 45 năm thành lập gồm giao lưu gặp gỡ nghệ sĩ, tọa đàm với chủ đề Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Sân khấu Cải lương trong giai đoạn hiện nay, nhưng điểm nhấn chính là đêm biểu diễn dàn dựng lại những trích đoạn cải lương vang bóng một thời, tạo nên tên tuổi nhiều thế hệ nghệ sĩ cũng như diện mạo riêng của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang như: Chim Việt cành Nam, Kiều Nguyệt Nga, Dương Vân Nga, Tình yêu và lời đáp, Rạng ngọc Côn Sơn, Nàng Xê Đa, Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Chiếc áo Thiên Nga… qua phần thể hiện của nhiều nghệ sĩ được khán giả yêu mến. Khán giả thực sự cần những vở diễn hay hơn và Nhà hát Trần Hữu Trang đã khơi lại ký ức quá đẹp của khán giả trong hành trình phát triển của mình.
Những vở cải lương một thời làm say đắm người xem từ thành thị tới thôn quê, diễn hàng trăm hàng ngàn suất ở sân khấu rồi được đài truyền hình thu và phát sóng tận ngõ ngách nông thôn, phát đi phát lại mỗi tuần mấy lần. Người ta khóc, cười, đau đớn, tự hào, bùi ngùi, thương cảm, căm hận, yêu thương…theo từng lời ca, giọng hát của nghệ sĩ. Cải lương đã gieo những hạt giống tâm hồn tuyệt đẹp chứ không phải chỉ mua vui vài ba trống canh. Người ta biết yêu nước nồng nàn qua thần thái hào hùng của Thái hậu Dương Vân Nga quyết hy sinh quyền lợi riêng cho quyền lợi chung của dân tộc. Người ta rơi nước mắt vì cuộc đời truân chuyên của cô Lựu, vì bi kịch của Nguyễn Trãi, vì sự cao thượng của Tô Ánh Nguyệt, vì lòng kiêu hãnh lẫn thủy chung của Hoàng hậu Xê Đa. Người ta rút ra bài học dựng nước và giữ nước đau thương từ An Dương Vương, Cao Thục, Trọng Thủy, Mỵ Châu…
Nhà hát Trần Hữu Trang đã đầu tư những vở cải lương giá trị, nhiều vở để đời như thế, từ đó nhiều nghệ sĩ có vai hay, vai không ai thay thế nổi. NSND Bạch Tuyết sừng sững tượng đài cô Lựu và Dương Vân Nga. NSND Diệp Lang đệ nhất kép độc với hình tượng Hội đồng Thăng tinh tế đến từng ánh mắt, chau mày, nhếch mép. NSND Thanh Vy đẹp quý phái qua vai Hoàng hậu Xê Đa, bên cạnh NSƯT Phương Quang vừa ngọt ngào vừa hoài nghi trong vai Vua Riêm. NSND Minh Vương và NSND Ngọc Giàu làm nên nỗi đau Nguyễn Trãi-Thị Lộ. NSƯT Kim Tử Long xuất sắc với Trọng Thủy bên hiếu bên tình, bị chiến tranh và tham vọng của cha mình đẩy vào tuyệt lộ. NSND Lệ Thủy thì trầm lặng với nỗi đau mất chồng, mất con, diễn như một mạch nước ngầm ngọt lịm chảy qua lòng đất không để lại dấu vết mà thấm tận tâm can…
Đặc biệt, mọi người cùng gặp lại đạo diễn NSƯT Hoa Hạ và NSND Thoại Miêu, chỉ tiếc là vắng cố nghệ sĩ Quốc Hùng, nguyên Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, những người đã từng làm nên kỳ tích, khi cách đây 14 năm dám đem hai vở Kim Vân Kiều và Chiếc áo Thiên Nga ra thử nghiệm biểu diễn tại sân vận động Quân khu 7 (TP.HCM) với mỗi suất gần 5000 vé (cả vé chính thức lẫn ghế súp, vé đứng). Cải lương kết hợp nhạc giao hưởng, nhạc trẻ, kịch hài, xiếc, điện ảnh, sử dụng những kỹ thuật hiện đại như tia laser, âm thanh, ánh sáng…thật hoành tráng, và chi phí gần 3 tỉ đồng một vở là con số “kinh khủng” lúc đó. Ôn lại những khó khăn và thuận lợi khi làm vở, ôn lại không khí phấn khích hồi ấy, mọi người bồi hồi ao ước bao giờ cải lương có một sức bật lần nữa.
Một đêm thôi, Nhà hát Trần Hữu Trang đã quay lại những kỷ niệm cùng khán giả. Nhưng thế hệ xưa không còn đủ sức bước lên sân khấu, đã nhường lại sàn diễn cho thế hệ đàn em như Tú Sương, Tấn Giao, Mỹ Hằng, Tâm Tâm, Tô Tấn Loan, Lê Tứ, Lê Hồng Thắm, Võ Minh Lâm, Lý Thu, Thy Trang, Lam Tuyền… Thật ra các bạn trẻ hầu hết đều là NSƯT hoặc đoạt giải Trần Hữu Trang, Chuông vàng Vọng cổ, nên đã biểu diễn rất tốt và họ cũng là những gương mặt sáng giá hiện nay của sân khấu. Nhà hát Trần Hữu Trang luôn chú ý đào tạo thế hệ kế thừa và rõ ràng lực lượng này hiện đang là lực lượng mạnh nhất của cải lương.
Một đêm diễn ôn lại những chặng đường thật đẹp của Nhà hát Trần Hữu Trang. Khán giả cùng xem qua online và gởi lời chúc nhà hát sẽ tiếp tục phát triển, giữ cho cải lương những điểm son như đã từng ghi dấu.
(CLV) – Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM đã nhận khuyết điểm trước Bí thư Đinh La Thăng về việc ‘thánh đường’ cải lương phía Nam xây...
(CLV) – Sau loạt bài Nhiều yếu tố “o ép” thánh đường cải lương mới và Thánh đường cải lương xây xong… chờ sửa, UBND TP.HCM chỉ đạo Thanh...
Bài viết khác
Bình luận
Bài viết nổi bật
-
Tây Thiên Vũ Khúc
26/05/2023.135310 -
30 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia MV ca cổ “Sài Gòn, ngày vui trở lại” của NSƯT Hữu Quốc
11/09/2021.98832 -
Vũ Luân: 2 lần định kết hôn bất thành và cuộc sống độc thân tuổi 51
10/07/2023.95650 -
Phương Cẩm Ngọc đạt nhất tuần đầu tiên Sao Nối Ngôi mùa 4
04/04/2019.94095
Để lại một bình luận